Đa phần dân lập trình khi mới bước chân vào nghề đều băn khoăn về vấn đề này. Dưới đây là định nghĩa giản lược để mọi người dễ hiểu hơn về khái niệm này.
Dựa vào những thông số dưới đây, ta cũng có thể thấy được đồ thị phát triển của các ngôn ngữ lập trình hàng đầu. Điển hình dẫn đầu vẫn là JavaScript. Một số ngôn ngữ khác có sự nhảy vọt về thứ hạng như Python, SQL…
Thống kê của năm 2018 (Stackoverflow)
Thống kê của năm 2019 (Stackoverflow)
Đây là ngôn ngữ lập trình luôn có nhu cầu được sử dụng cao top đầu. vào năm 2016, đã có 92% các trang web chạy trên nền tảng JavaScript. Ra đời từ năm 1995, cho tới thời điểm bây giờ, JavaScript xuất sắc trở thành công cụ đắc lực hàng đầu của các lập trình viên. Gã khổng lồ này vượt trội hơn hẳn những nền tảng lập trình khác ở khả năng tối ưu website. Thứ nhất, JavaScript tăng khả năng tương tác, giúp trang web chuyên nghiệp, sinh động hơn, dĩ nhiên, từ đó những người truy cập cũng dễ dàng tiếp cận hơn. Thứ hai, đây được xem là công cụ “dễ dãi” nhất đối với phần lớn các trình duyệt web và các thiết bị điện tử nhờ sở hữu ngôn ngữ dễ đọc, cú pháp linh hoạt. Cuối cùng, mặc dù không mang tính chất là một ngôn ngữ đa năng, tuy nhiên, JavaScript khai thác tối đa những các tính năng của nó và không ngừng cập nhật mới.
Python có cú pháp khá đơn giản, tốc độ xử lý nhanh, mượt, không quá kén người sử dụng, nhất là phù hợp với những người học lập trình game và ứng dụng. Một điều đáng kinh ngạc đối với Python là tốc độ phát triển nhanh nhất hiện nay, trong khi các ngôn ngữ khác vẫn đang loay hoay tìm chỗ đứng, hoặc giữ thứ hạng cho mình. Ngoài ra, chỉ cần điểm qua một vài ông lớn “máu mặt” đang sử dụng Python như Google (thành phần của nhện Google và Công cụ tìm kiếm), Yahoo (Bản đồ), YouTube, Dropbox, Microsoft, Quora…
Vốn là nền tảng vận hành độc lập, Java có khả năng bảo mật cao, vượt trội hơn nhiều so với các ngôn ngữ khác. Đây là một lựa chọn tuyệt vời dành cho các trang web. Với phương châm WORA (write once, run anywhere – viết một lần, chạy mọi nơi), Java dễ dàng tiếp cận các nền tảng ngôn ngữ lập trình khác. Cho tới nay, phiên bản mới nhất của Java đã khắc phục đa phần các hạn chế về tốc độ xử lý, thậm chí còn vươn lên vị trí tiên phong về mặt tính năng nhờ các Java Framework được cộng đồng lập trình viên phát triển. Điều đó cho thấy những nỗ lực không ngừng cũng như tiềm năng phát triển của Java trong tương lai.
“Phong độ nhất thời đẳng cấp mới là mãi mãi” là câu để dành cho C. Là anh cả trong gia đình ngôn ngữ lập trình, C hiển nhiên trở thành nền tảng học tập cho các đàn em ngôn ngữ khổng lồ khác như C++, C#, Objective-C… Mặc dù là một trong những ngôn ngữ đời đầu, tuy nhiên cho tới thời điểm bây giờ, C vẫn được tin dùng rộng rãi. Mình nhớ trước đây, những gã mới học lập trình như tụi mình thường bắt đầu từ C vì cú pháp của nó cũng khá là dễ hiểu.
Được phát triển dựa trên cảm hứng từ C, C++ cũng được dự đoán sẽ làm mưa làm gió trên sàn ngôn ngữ lập trình trong tương lai. Mặc dù C++ có phần phức tạp và ít phổ biến hơn đàn anh C của mình nhưng vị thế của nó trong việc phát triển các phần mềm cũng như các ứng dụng di động là cực kì cao. Nhất là trong bối cảnh thị trường ứng dụng di động đang diễn ra cực kỳ sôi động và tiềm năng như hiện nay.
Trong danh sách này nếu không nhắc đến C# thì quả là thiếu sót. C# là ngôn ngữ lập trình cấp cao. Về mặt cú pháp, C# được xem như em trai quốc dân trong làng trình duyệt web bởi độ thân thiện đối với các ngôn ngữ khác và tính bảo mật cao cũng là một ưu điểm đáng chú ý của C#. Vốn được phát triển bởi Microsoft cho nên C# trở thành công cụ hàng đầu đối với các lập trình viên chuyên nghiệp.
PHP là ngôn ngữ lập trình hàng đầu về khả năng ứng dụng trên nền tảng website. Ngoài ra PHP còn hỗ trợ lập trình hướng đối tượng giúp việc sử dụng ở nhiều nền tảng khác nhau dễ dàng hơn. Minh chứng là nó đang được “bảo kê” bởi một số ứng dụng tên tuổi, trong đó có Facebook. Và tiềm năng phát triển của loại ngôn ngữ này cũng khá khả quan do luôn có một cộng đồng đông đảo lập trình viên ủng hộ và xây dựng nên rất nhiều các công cụ, IDE và PHP Framework.
Ruby cũng là một trong những ngôn ngữ lập trình cấp cao nhờ khả năng bảo mật cao cũng như tính dễ tiếp cận, nó được sử dụng phổ biến cho các trang web có nhiều chức năng, công cụ tương tác với người dùng hoặc bên thứ 3 liên tục, ví dụ dễ thấy nhất là các MXH và đặc biệt đối với Ruby đó chính là Twitter, hoặc khi thiết kế website du lịch, lập trình viên cũng phải xây dựng hệ thống luôn cập nhật thông tin từ phía khách sạn, nhà hàng, khu du lịch để không gây ra sai sót, nhầm lẫn khi khách đặt trên website. Đối với các lập trình viên, Ruby là một công cụ lập trình tạo cảm hứng vì mục đích ra đời ban đầu của nó là giúp việc lập trình trở nên thú vị hơn.
Mặc dù lấy cảm hứng từ Objective-C, tuy nhiên Swift có vẻ được ưa chuộng hơn bởi tốc độ xử lý nhanh và độ bảo mật cao hơn. Mức độ tiềm năng của Swift cũng khá cao bởi vì các ứng dụng IOS, macOS hầu hết đều sử dụng Swift. Bởi vậy dĩ nhiên, Apple cũng sẽ không để công cụ đắc lực này phải thiệt thòi.
Lý do xếp SQL vào danh sách này là bởi độ tiện lợi của nó. SQL cho phép người sử dụng có thể tương tác với cơ sở dữ liệu như truy cập, tạo mới, chỉnh sửa, xuất… Điều này nghe có vẻ như khá bình thường. Tuy nhiên các bạn thử tưởng tượng xem, nếu dữ liệu của bạn quá lớn thì mức độ rủi ro, phức tạp trong lưu trữ và tìm kiếm thông tin từ tài liệu đó vô cùng cao. Thay vì sử dụng những cách thủ công, chỉ cần nhập một mã lệnh SQL thì bạn hoàn toàn đơn giản hóa công việc của mình.
Mặc dù ở phần ngôn ngữ lập trình Swift, mình có đề cập tới sự vượt trội của nó so với Objective-C ở mặt phát triển các ứng dụng IOS, tuy nhiên Objective-C vẫn giữ được vị trí quan trọng vì nó có thể làm việc độc quyền với nhiều APT. Bên cạnh đó, đây cũng là ngôn ngữ có code đặc trưng dễ hiểu, khó sai sót trong quá trình lập trình trang web.
Trước khi chia sẻ về phần này, mình muốn lưu ý rằng, việc nắm bắt xu hướng sử dụng các loại ngôn ngữ lập trình là một cách hiệu quả để áp dụng chứ không phải để lạm dụng. Tùy thuộc vào mục đích, khả năng của từng người sử dụng mà có sự chọn lựa cho phù hợp nhất. Cái này cũng dễ hiểu bởi vì mỗi loại ngôn ngữ lập trình, bản thân nó đã có những ưu việt đặc trưng riêng, phù hợp với từng nhu cầu sử dụng. Mình sẽ lấy ví dụ cụ thể như thế này, nếu bạn muốn phát triển về mảng cơ sở dữ liệu, đừng bỏ qua SQL, phát triển website và internet thì nên dùng JavaScript, trình điều khiển máy tính thì nên chú tâm vào C, hay hãy nghiên cứu C++, Python nếu đam mê về mảng lập trình AI- Trí tuệ nhân tạo…
Trên đây là một số tổng hợp, dự đoán mà mình hi vọng sẽ có ích cho mọi người. Tuy nhiên, dù sao đi chăng nữa Top 10 ngôn ngữ lập trình năm 2020 trên đây cũng chỉ là những dự đoán, thực tế sẽ có những biến động như thế nào thì không thể chắc chắc được. Liệu rồi sẽ có những cú hích lớn nào trong năm 2020 hay không? Hy vọng ở một bài viết gần nhất mình có cơ hội để chia sẻ tới mọi người thông số thực tế, cụ thể hơn.
Devmaster Academy via freelancervietnam