Ngoài việc gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc kinh doanh của Huawei, giới phát triển phần mềm Trung Quốc đang nháo nhác lo ngại chiến tranh thương mại Mỹ – Trung sớm muộn cũng sẽ tìm đến họ.
Vấn đề chúng ta đang đề cập đến ở đây xoay quanh GitHub, nền tảng lưu trữ mã nguồn lớn nhất thế giới hiện đặt tại Mỹ. Vô vàn các dự án mã nguồn mở đang được tải lên GitHub mỗi ngày, cho phép mọi người trên toàn thế giới có thể xem và cùng nhau cộng tác phát triển. Vào cuối năm ngoái, GitHub đã bị Microsoft thâu tóm.
Nỗi lo sợ của giới phát triển phần mềm Trung Quốc xuất phát từ các điều khoản kiểm soát xuất khẩu của GitHub. Theo đó, nền tảng này quy định các nội dung được phát triển trên GitHub cần phải tuân thủ luật xuất khẩu của Mỹ, bao gồm các Quy chế quản lý xuất khẩu (EAR), chính là những quy chế được sử dụng để hạn chế xuất khẩu đối với Huawei và các công ty liên quan.
“Với các nhà phát triển, mã nguồn là một nguồn tài nguyên rất quan trọng” – Liu CHen, giám đốc hoạt động của Open Source China (OSChina) – tổ chức tự nhận là cộng đồng mã nguồn mở lớn nhất Trung Quốc.
Những lo sợ về việc sẽ không thể truy cập GitHub nữa dường như đã bị thổi phồng. Apache Software Foundation (ASF), một tổ chức khác có trụ sở tại Mỹ, chuyên cung cấp các phần mềm mã nguồn mở, đã đăng tải một thông báo hôm thứ Tư rằng phần mềm mã nguồn mở và việc cộng tác trong các dự án mã nguồn mở không bị ảnh hưởng bởi EAR.
Dù vậy, các điều khoản kiểm soát xuất khẩu của GitHub đồng nghĩa với việc một số dự án trong cộng đồng này vẫn bị đặt dưới báo động đỏ. Viễn cảnh không thể truy cập đến một nguồn tài nguyên đặc biệt quan trọng như GitHub rõ ràng cực kỳ đáng quan ngại.
Phần mềm mã nguồn mở đóng vai trò xương sống trong nhiều sản phẩm yêu thích của nhiều người tiêu dùng. Xem phim trên Netflix, vuốt qua lại giữa các hình ảnh trên Instagram, hay các hoạt động phổ biến thường ngày, tất cả đều được hỗ trợ bởi công nghệ mã nguồn mở. Các công ty công nghệ Trung Quốc cũng hưởng lợi từ các dự án mã nguồn mở, bao gồm các dự án trên GitHub.
“Việc người dùng GitHub Trung Quốc có bị ảnh hưởng hay không còn tùy thuộc vào quy mô các lệnh cấm vận xuất khẩu của Mỹ đối với Trung Quốc, điều mà chúng tôi không thể ước lượng được” – Chen nói.
Theo nhà phát triển Duzy Chan đến từ Trung Quốc, người từ lâu đã tham gia phát triển phần mềm mã nguồn mở trên GitHub, những hạn chế của chính phủ sẽ không cản trở được sự phát triển của mã nguồn mở. Tuy nhiên, các website như GitHub lại giúp việc cộng tác trong các dự án mã nguồn mở trên toàn cầu trở nên dễ dàng hơn. Mất quyền truy cập đến GitHub có thể khiến quá trình này chậm đi rất nhiều.
“Tình hình sẽ rất tệ bởi tiến trình tiến hóa của Internet có thể bị chậm lại. Các dự án mã nguồn mở mang lại lợi ích cho quá nhiều bên trên toàn thế giới, không chỉ Mỹ và Trung Quốc” – Chan nói – “Không có riêng công ty hay bên hay quốc gia nào có thể rời xa các dự án mã nguồn mở trong tình hình hiện nay”.
Không phải mọi người đều tin rằng việc hạn chế truy cập đến GitHub sẽ khiến giới phát triển phần mềm Trung Quốc bị ảnh hưởng. Đó sẽ không phải là vấn đề lớn đối với người dùng cá nhân – theo lời một nhà phát triển tại Trung Quốc.
GitHub hiện đã hạn chế một số quốc gia truy cập máy chủ doanh nghiệp (Enterprise Server) của mình, bao gồm Iran và Triều Tiên. Công ty này không phản hồi email yêu cầu làm rõ khả năng sẽ giới hạn Trung Quốc vì chiến tranh thương mại.
Tuy nhiên, một bộ phận nhà phát triển phần mềm tại Trung Quốc đang kêu gọi giới lập trình viên nước này nên “tự túc” về mã nguồn mở, giống như sự lệ thuộc của Huawei vào công nghệ Mỹ đã dẫn đến những cuộc kêu gọi Trung Quốc nên tập trung vào thiết kế bán dẫn và phát triển các hệ điều hành của chính mình.
Chen tin rằng tình hình bất định này sẽ thúc đẩy ngành phát triển phần mềm Trung Quốc tiến đến một giai đoạn mới, với tinh thần “tự thân vận động” được đề cao hơn. Trong số những thay đổi cần thực hiện, lập nên một “kế hoạch B” để phản ứng trong những trường hợp như Huawei đang gặp phải (đáng chú ý, bản thân OSChina cũng có “kế hoạch B”: tổ chức này đang điều hành một nền tảng tương tự GitHub, gọi là Gitee).
“Một khi liên quan đến lợi ích dân tộc, những thỏa thuận hay điều kiện đặt ra ban đầu có thể bị bãi bỏ hoặc thay đổi” – Chen nói.
Việc không thể truy cập đến GitHub – một cộng đồng các nhà phát triển lớn nhất toàn cầu – sẽ là một tổn thất lớn đối với các nhà phát triển Trung Quốc. Đó là lý do chính giải thích tại sao GitHub vẫn không bị chặn ở Trung Quốc dù cho đây là nơi lưu trữ một loạt các công cụ giúp lách luật kiểm duyệt và là nơi cộng đồng lập trình viên Trung Quốc hô hào biểu tình chống lại văn hóa làm việc “996” (làm từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày một tuần) đầy khắc nghiệt của nước này.
Nguồn: DevmasterAcademy via Genk