Sau gần 2 năm tin đồn, cuối cùng thì những chiếc máy Mac sử dụng chip ARM do Apple tự thiết kế cũng đã chính thức được công bố. Bước chuyển không mấy bất ngờ nhưng vẫn rất đáng chú ý này đã được Apple thực hiện sau khi đạt được nhiều thành tựu lớn với những con chip tự thiết kế trên iPhone, iPad và Apple Watch, và cũng là khi Intel liên tiếp gặp phải nhiều vấn đề với việc triển khai chu trình sản xuất 10nm.
Tại WWDC, CEO Tim Cook đã tuyên bố về tương lai của máy Mac: "Apple sẽ bắt đầu xuất xưởng những chiếc Mac dùng chip Apple vào cuối năm nay, và dự kiến quá trình chuyển đổi sẽ mất khoảng 2 năm. Chúng tôi dự định sẽ tiếp tục hỗ trợ và phát hành các phiên bản macOS mới cho máy Mac dùng Intel trong nhiều năm sắp tới".
Không thể "tuyệt tình" khi những sản phẩm Apple đắt đỏ nhất vẫn đang sử dụng chip Intel.
Tuy vậy, nhà lãnh đạo của Apple sau đó cũng đã đưa ra một tuyên bố rất đáng chú ý: "Thực tế, chúng tôi vẫn đang phát triển một số mẫu máy Mac dùng chip Intel và chúng tôi rất phấn khích về điều đó". Thông điệp này sau đó cũng được lặp lại trong tuyên bố chính thức trên trang chủ.
Có vẻ như, Apple vẫn đang chưa "tuyệt tình" với Intel. Công ty của Tim Cook có rất nhiều lý do để chưa thể chuyển sang sử dụng duy nhất chip ARM. Lý do đầu tiên và dễ thấy nhất là những chiếc máy Mac đang bán trên thị trường. Mới chỉ cách đây 3 tháng, Apple đã vén màn MacBook Pro và MacBook Air mới. Cả 2 đều là những sản phẩm được trông chờ khi MacBook Air trước đó đã bị ngừng nâng cấp trong nhiều năm còn MacBook Pro thì vừa thoát khỏi "thảm họa" bàn phím cánh bướm. Cả 2 cũng vẫn sử dụng chip Intel. Ngay lúc này, đưa ra thông điệp "hoàn toàn loại bỏ Intel để chuyển sang ARM" chẳng khác gì chọc giận các khách hàng vừa mua MacBook mới.
Tính đến WWDC năm nay, mẫu Mac Pro của Apple cũng vừa tròn 1 năm tuổi đời. Dòng sản phẩm đắt đỏ bậc nhất này trước đó đã bị ngưng cập nhật trong vòng 6 năm (kể từ chiếc Mac Pro "thùng rác" của năm 2013). Doanh số Mac Pro trong năm vừa qua chắc chắn đã tăng mạnh, và một lần nữa, tuyên bố hoàn toàn từ bỏ Intel sẽ tạo ra phản ứng tiêu cực từ các khách hàng đã bỏ ra tới hàng chục nghìn đô để mua chiếc Mac chuyên dụng.
Dù Apple có đưa ra những giải pháp hoàn thiện đến thế nào chăng nữa, việc chuyển dịch hoàn toàn sang ARM vẫn sẽ gây ảnh hưởng lớn lên nhóm người dùng quan trọng nhất của Mac: các coder. |
Một lý do khác là khả năng tương thích phần mềm. Với bản chất là một hệ điều hành Unix, macOS đã có sẵn tính tương thích cao với nhiều kiến trúc chip khác nhau và có lẽ sẽ còn duy trì được điểm mạnh này trong một thời gian dài. Trong sự kiện WWDC ngày hôm qua, Apple cũng đã vén màn tính năng biên dịch (compile) phần mềm ra cả 2 loại mã nhị phân dành cho Intel và ARM. Trong khi mục tiêu chính của tính năng này vẫn là để giúp các nhà phát triển có thể chuyển đổi ứng dụng một cách dễ dàng từ Intel sang Mac, rõ ràng là Apple vẫn đang hỗ trợ đầy đủ cho chip Intel tại thời điểm hiện tại.
Quan trọng không kém là… Windows. Một trong những mảng khách hàng quan trọng bậc nhất của Apple là các lập trình viên, những người đòi hỏi khả năng tương thích tối đa với các nền tảng phổ biến. Mới đây, Apple cũng đã xác nhận rằng phần mềm giả lập Rosetta không thể hỗ trợ giả lập Windows. Các tập lệnh vector AVX, AVX2, và AVX512 cũng nằm trong danh sách chưa hỗ trợ của phần mềm "dịch" từ Intel x86 sang ARM kể trên.
Trong bối cảnh chính Microsoft còn chưa thể giúp Windows 10 tương thích với ARM (qua thất bại của Surface Pro X), chắc chắn Apple (hay các công ty giả lập như VM hoặc Parallels) cũng khó có thể giải quyết được vấn đề Windows. Các coder dùng Mac ARM chắc chắn sẽ mất hoàn toàn khả năng tạo ứng dụng cho nền tảng PC số 1 hiện nay, và điều đó sẽ khiến máy Mac mất rất nhiều điểm trong mắt nhóm người dùng "Pro" đặc biệt quan trọng này.
Intel vẫn còn nhiều hy vọng khi chính CEO Tim Cook khẳng định Apple vẫn đang phát triển nhiều model Mac sử dụng chip Intel. |
Ngay sau khi WWDC kết thúc, Intel cung đã lên tiếng khẳng định sẽ hỗ trợ Apple trong 2 năm chuyển đổi tiếp theo. "Apple là một khách hàng trên nhiều mảng kinh doanh", đại diện Intel tuyên bố với trang Apple Insider. Tuy vậy, năm ngoái Intel đã bán đứt mảng thiết kế chip 5G cho Apple. Với người dùng, mảng kinh doanh duy nhất đang được Apple và Intel duy trì là những con chip trên máy Mac.
Những tuyên bố của Apple cũng không hề cho thấy nỗ lực nhằm cắt đứt Intel hoàn toàn. Với những vấn đề dễ thấy ở trước mắt (tương thích), có vẻ như Apple cũng chưa muốn vội vàng thực hiện một quyết định có thể ảnh hưởng rất lớn tới tương lai của Mac. Dù sao, một giai đoạn chuyển đổi khá rối ren đang ở phía trước, và có lẽ cả Apple, Intel lẫn người dùng Mac đều sẽ có những mối lo của riêng mình.
Devmaster Academy via https://genk.vn/