Dù bạn là người đang học code hay đã có thâm niên coding vài năm thì những cuộc “cách mạng” công nghệ hiện nay vẫn có thể khiến bạn tụt hậu nhanh chóng nếu không giắt túi vài bí kíp tự học hiệu quả để luôn học những điều mới mẻ, và nâng cấp những năng lực sẵn có trong người.
Có những bí kíp thuần kinh nghiệm, có vài bí kíp nghe thì hay nhưng hên xui, và cũng có những bí kíp đã được khoa học kiểm chứng về tính hiệu quả. Bài này chia sẻ vài cách thức được đúc rút từ các nghiên cứu khoa học về việc học tập hiệu quả, hoặc của những cao thủ trong nghề viết mã.
Theo một nghiên cứu của nhiều nhà khoa học đăng trên tập san “Psychological Science in the Public Interest ”, bạn không nên học kiểu dồn ép và cuốn chiếu mà nên phân bổ kiến thức ra. Ví dụ, khi bạn học một ngôn ngữ mới (ví dụ Java), thì đừng vội đặt mục tiêu “làm chủ Java trong 7 ngày” rồi bỏ hết tất cả các việc khác để dồn 100% công lực vào học Java trong vòng 7 ngày. Điều đó nghe rất hấp dẫn nhưng không khả thi, bạn sẽ không thu hoạch được nhiều sau 7 ngày. Và đặc biệt, nếu sau 7 ngày đó bạn coi như đã “xong việc” thì đảm bảo là bộ nhớ của bạn sẽ chẳng còn bao nhiêu sau một thời gian ngắn.
Thay vào đó, hãy rải việc học ra mỗi tuần một ít, có chủ đích lặp đi lặp lại để “luyện cơ” và khắc sâu kiến thức vào bộ nhớ trong đầu bạn.
Ví dụ: Tuần 1 bạn học căn bản về ngôn ngữ Java, các khối điều khiển, cách tổ chức chương trình
Tuần 2 bạn có thể tập cách tổ chức một trang web đơn giản, vận dụng các kiến thức về cấu trúc chương trình, hàm/cấu trúc điều khiển trước đó.
Tuần 3 bạn nâng cấp trang web đó dưới dạng kiến trúc MVC, có liên hệ hay dở với cách thức tổ chức chương trình kiểu cũ.
Cứ thế cứ thế, kiến thức sẽ được xây dựng vững chắc từng khối từng khối một.
Ở đây có ba từ khoá: phân bổ, cuốn chiếu và chú tâm. Luyện tập phân bổ nghĩa là tách các kĩ năng ra để làm chủ từ từ, đừng dồn lại một lúc. Cuốn chiếu chính là cách học [không hiệu quả] được các sách dạng tutorial quảng cáo (thật đáng tiếc là một số trường học vẫn đang dạy lập trình cuốn chiếu kiểu này). Còn có chủ đích là cái mà cao thủ Peter Norvig đã đề cập (đọc thêm bài “Luyện code như luyện cơ”): “ Điều quan trọng là bàn về phương pháp thực hành: không chỉ là việc lặp đi lặp lại đơn thuần, mà còn thử thách chính mình bằng những nhiệm vụ như vượt qua khả năng hiện tại của bản thân, cố gắng, phân tích hiệu xuất của mình trong và sau quá trình rèn luyện, và sửa chữa bất kỳ sai lầm nào. Cứ như vậy, lặp đi lặp lại.””.
Coder rất hay dán mắt vào màn hình trong nhiều giờ, kể cả khi làm việc cũng như khi chơi game. Điều này gia tăng sức ép lên não bộ, khiến nó mệt mỏi và khó hoạt động hiệu quả.
Theo nghiên cứu của nhà khoa học thần kinh John Medina ghi trong sách “Luật trí não”, não bộ chúng ta hoạt động theo một chu kì 10 phút tập trung rồi sau đó là sao nhãng.
Theo hai chuyên gia khác về học tập và thần kinh học Gs. Barbara Oakley và Gs. Terence Sejnowski, thì chúng ta nên kết hợp tập trung và thư giãn để giúp não bộ làm việc hiệu quả. Khi bạn thư giãn, không có nghĩa là não ngừng hoạt động, mà nó hoạt động ở cơ chế “khuếch tán” (diffused). Nhiều ý tưởng hay, nhiều sáng tạo quan trọng được phát sinh trong lúc thư giãn ấy chứ không phải tập trung hết cỡ để học tập hay giải quyết vấn đề.
Lời khuyên cực kì quan trọng khác là chúng ta nên ngủ đủ. Lời khuyên này tầm thường như cân đường hộp sữa nên dễ bị bỏ qua. Các coder thường kháo nhau về trình độ của một tay nào đó “làm việc 3 ngày liền không cần ngủ”, nghe rất “ngầu”. Thực ra, nếu bạn muốn năng suất giảm sút gấp đôi, và rước bệnh vào thân thì cứ việc “OT” liên tục, “over night” liên tục. Chúc bạn may mắn.
Bill Gates từng tâm sự, thời học code, cậu bé tò mò tọc mạch Bill Gates đã lục tung code của các chương trình máy tính sẵn có. Nhờ đó mà học cách viết code. Nhiều người cũng học code bằng cách đọc code của người khác, bao gồm cả người viết bài này.
Bạn được lợi gì từ việc đọc code? Thứ nhất là có thể biết được cách các cao thủ tổ chức mã lệnh thế nào, từ đó mà bắt chước được phần nào đấy. Thứ nhì là mở rộng khả năng “hiểu” code. Bản thân code là một văn bản. Mặc dù code viết ra để cho máy nó chạy, nhưng một “người viết code tốt là người viết ra để con người hiểu được”, “còn viết code chỉ để máy hiểu được thì là code bình thường”. Đọc hiểu được code cũng giúp bạn phần nào trong việc viết ra những đoạn code mà người khác đọc được. Tất nhiên, nếu là người mới học, hãy bắt đầu từ đọc những chương trình nhỏ, đừng vội xông ngay vào mã nguồn của Linux nếu bạn không muốn ngất trên bàn phím.
Ý tôi là, hãy viết gì đó dùng được. Vui thôi cũng được. Học không gì hay bằng tự làm ra sản phẩm. Học mà làm, làm thì học.
Khi học Android chẳng hạn, một trong những cách học hay nhất là làm một cái app nào đó giải quyết vấn đề nào đó của chính mình và người xung quanh. Càng cụ thể và “nhỏ bé” càng tốt. Vì bạn sẽ có những “chiến thắng nhỏ” của riêng mình. Điều đó chính là liều doping cực mạnh để thúc đẩy bạn viết những chương trình lớn hơn, vươn lên những mục tiêu mới.
Hơn chục năm trước, tôi cũng từng làm một cái app Java (J2ME) có tên rất buồn cười là “Mama tổng quản”, cài lên máy Sony Ericson của người thân để theo dõi chi tiêu khi đi chợ. Nghe ngớ ngẩn phải không? Nhưng tôi của dạo ấy thì vui lắm, vì có thể dùng những dòng code của mình vào những việc hữu ích hằng ngày.
Tự đánh giá là một trong những cách học tốt nhất theo nghiên cứu đã dẫn ở bên trên. Nó vừa giúp ta khắc sâu kiến thức, vừa giúp ta tránh những hiểu nhầm. Đó vừa là cơ hội củng cố kiến thức, nhớ dai hơn, nhưng cũng là cơ hội để sửa sai, tránh tình trạng “ảo tưởng sức mạnh”.
Có nhiều hình thức tự đánh giá. Bạn có thể dùng các bài tập, câu hỏi ôn tập, danh mục kiểm tra ở cuối chương và tự làm lấy rồi so kết quả, hoặc tự kiểm tra sản phẩm làm ra. Nếu tham gia một lớp học, hãy yêu cầu giảng viên cung cấp các câu hỏi nhanh (quiz), rubrics, checklist. Đó sẽ là những công cụ tuyệt vời để bạn tự kiểm tra kiến thức của mình.
Đôi khi tự mình viết ra những tóm tắt và suy tư (reflection) về bài học, hoặc tự thuyết trình kiến thức học được cho người khác cũng là một cách tự kiểm tra, xem mình đã thực sự lĩnh hội được mấy phần kiến thức.
Tự học luôn là một hành trình đầy thú vị. Hy vọng năm chiến thuật trên đây giúp bạn đi nhanh hơn và thu hoạch tốt hơn trên hành trình ấy.
Devmaster Academy via tapchilaptrinh.vn