Theo đánh giá của Cục ATTT, tình hình bảo đảm an toàn, an ninh mạng tại Việt Nam trong thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực, đặc biệt là đối với các chiến dịch xử lý mã độc ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Điều này đã được thể hiện bằng thực tiễn khi số lượng địa chỉ IP của Việt Nam nằm trong các mạng máy tính ma (botnet) hiện là 4.300.218 địa chỉ, giảm 34,30% so với cùng kỳ năm 2018.
|
Tuy vậy, theo nhận định của ông Nguyễn Huy Dũng, Cục trưởng Cục ATTT, tình hình an ninh mạng những tháng cuối năm nay và đầu năm sau sẽ diễn biến phức tạp.
Điều này là bởi, cứ mỗi khi tình hình Biển Đông căng thẳng, các nhóm hacker Trung Quốc lại hoạt động mạnh và có chiều hướng gia tăng. Nhiều nhóm hacker đã nằm vùng trong các hệ thống của nước ta từ trước đó.
Mặc dù đã biết có tình trạng này xảy ra tuy nhiên chúng ta vẫn chưa thể xử lý được triệt để, ông Nguyễn Huy Dũng – Cục trưởng Cục ATTT nói.
Theo Cục trưởng Cục ATTT, từ trước đến nay, nhận thức của chúng ta vẫn thiên theo hướng bảo vệ chủ quyền mang tính truyền thống, về lãnh hải, lãnh thổ. Tuy vậy, chủ quyền quốc gia trên không gian mạng cũng là một vấn đề cần hết sức lưu tâm.
Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Ví dụ về điều này là việc dữ liệu người Việt Nam hiện đang ở đâu? Ai là người hiểu được hành vi của người dân cũng như các cơ quan, tổ chức Việt Nam trên không gian mạng?
Trong thời gian tới, Cục ATTT sẽ triển khai một số biện pháp cụ thể để xử lý vấn đề này. Điều đó chỉ có thực hiện bằng việc thúc đẩy sự phát triển của các platform (nền tảng) Việt Nam, tạo ra một lựa chọn khác cho người sử dụng Việt Nam, từ đó bảo vệ chủ quyền số quốc gia trên không gian mạng.
|
Diễn tập quốc gia về ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng năm 2019 vừa diễn ra tại Hà Nội. |
Thời gian qua cũng đã xuất hiện nhiều tín hiệu tích cực về công tác đảm bảo an toàn an ninh mạng tại Việt Nam. Theo báo cáo toàn cầu của ITU năm 2018 về an toàn an ninh mạng, Việt Nam hiện thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu trong bảng xếp hạng toàn cầu. Nhóm này bao gồm những quốc gia có mức độ cam kết về an toàn an ninh mạng cao và quan tâm nhiều đến an toàn an ninh mạng.
Đây là một bước chuyển mình lớn của Việt Nam khi mà trong năm 2017, chúng ta vẫn còn đang ở vị trí thứ 100 trong bảng xếp hạng này. Đáng chú ý khi điểm số tuyệt đối của Việt Nam trong năm 2018 (0.693) tăng gấp 3 lần so với năm 2017 (0,245).
Việt Nam hiện xếp thứ 5 về chỉ số an toà an ninh mạng tại khu vực ASEAN, thua Singapore, Malaysia, Thái Lan và Myanmar, ông Nguyễn Huy Dũng – Cục ATTT cho biết.
Đánh giá của ITU dựa trên 5 nhóm chỉ tiêu chính là pháp lý, kỹ thuật, hợp tác, tổ chức và nâng cao năng lực. Chia sẻ kỹ hơn về điều này, vị lãnh đạo Cục ATTT cho rằng, cả 5 nhóm chỉ số của Việt Nam về an toàn thông tin đều có sự gia tăng, trong đó nhóm pháp lý, hợp tác và nâng cao năng lực có sức tăng mạnh nhất.
|
Ông Nguyễn Huy Dũng – Cục trưởng Cục ATTT (Bộ TT&TT) |
Nhìn nhận nguyên nhân tăng đến 50 bậc trong bảng xếp hạng về an toàn thông tin năm 2018, Cục ATTT cho biết thời gian qua các đơn vị thuộc Bộ đã phối hợp cùng nhau để cung cấp thông tin và dẫn chứng cụ thể, kịp thời cho các tổ chức quốc tế, giúp họ có cái nhìn đầy đủ hơn về tình hình an toàn an ninh mạng Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Huy Dũng, việc đạt ngưỡng điểm gần như tuyệt đối (0,183/0,2) trong nhóm chỉ tiêu về tổ chức cho thấy hành lang pháp lý và hệ thống tiêu chuẩn trong lĩnh vực an ninh mạng của Việt Nam đã từng bước được hoàn thiện.
Việt Nam là một trong số những nước cho ra đời các văn bản tiên phong về lĩnh vực an toàn an ninh mạng. Ngay từ năm 2016, Việt Nam đã có bộ luật riêng về an toàn an ninh mạng, sớm hơn cả một nước phát triển hơn là Nhật Bản.
Nguyên nhân thứ 3 góp phần thay đổi thứ hạng an toàn thông tin Việt Nam là trong năm 2018 vừa qua, không có sự cố nghiêm trọng nào gây ảnh hưởng tới hình ảnh quốc gia trong lĩnh vực này.
Cục ATTT xác định sẽ tập trung vào nhiều nhóm giải pháp để tiếp tục duy trì và nâng cao thứ hạng của Việt Nam trong lĩnh vực an toàn thông tin trong thời gian tới.
Nguồn: Devmaster Academy via IctNews