Với chiến lược tiên phong cùng nhiều quyết định táo bạo, Viettel Telecom đã tạo ra nhiều thay đổi cho ngành viễn thông và CNTT, đặc biệt trong mục tiêu kiến tạo xã hội số.
Ông Cao Anh Sơn - Tổng giám đốc Viettel Telecom - chia sẻ về sự thay đổi sau 20 năm thành lập, phát triển cũng như chiến lược sắp tới của tổng công ty.
- Cách đây hơn 2 năm, mức tiêu dùng data bình quân của người dùng di động tại Việt Nam ở mức 1 GB/tháng. Tuy nhiên lúc này, Viettel Telecom lại tung gói cước data với dung lượng 1 GB/ngày. Vì sao có quyết định táo bạo đó?
- Thứ nhất, khi phân tích hành vi tiêu dùng của khách hàng, chúng tôi thấy thực tế nhu cầu sử dụng data Internet của người Việt Nam rất lớn. Trong khi đó, các nhà mạng ở nước ta đang thiết kế sản phẩm, gói cước dựa vào thời gian.
Thứ hai, gói cước data của các doanh nghiệp viễn thông trong khu vực như Lào, Campuchia, Thái Lan có lượng data tiêu thụ cao hơn Việt Nam rất nhiều.
Thứ ba, tỷ lệ hộ dân Việt Nam sử dụng Internet băng rộng lớn, mật độ hiện tại trên 60%. Khi thấy chi phí sử dụng data tốc độ cao trên di động đắt và dung lượng thấp, người dùng sẽ tập trung vào Wi-Fi.
Những số liệu đó cho thấy thị trường data Internet trong nước đang gặp rào cản. Từ đó, chúng tôi quyết định cung cấp gói cước ngắn ngày với dung lượng lớn, đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dùng. Các gói cước data ST (siêu tốc) ra đời từ đây.
- Nhưng dung lượng của các gói cước mới cao gấp hàng chục lần so với trước đó, Viettel có e ngại sẽ ảnh hưởng đến doanh thu?
- Nhiều người cho rằng các gói cước này sẽ ảnh hưởng đến doanh thu. Tuy nhiên, khi phân tích tình hình trong nước và thị trường quốc tế, trong đó có nơi Viettel đầu tư, doanh thu mảng di động đang giảm về thoại và SMS, không phải data.
Khi hiểu mấu chốt vấn đề, chúng tôi yên tâm thực hiện. Bằng cách tăng lưu lượng data để kích thích hành vi tiêu dùng, Viettel Telecom có cơ hội thúc đẩy mạnh mẽ dịch vụ này. Đây là nguồn doanh thu tăng trưởng để bù lại nguồn doanh thu dịch vụ truyền thống.
- Tại sao Viettel Telecom tăng lưu lượng data tốc độ cao tối thiểu của gói cước ST lên 1 GB/ngày - gấp 30 lần mức dùng bình quân mà không phải 4-5 lần thôi?
- Thời điểm lên kế hoạch xây dựng những gói cước này, mọi người từng nghĩ chỉ thiết kế dung lượng gấp 2-5 lần. Thế nhưng sau khi tính toán lại, chúng tôi thấy con số này chưa đủ giúp người dùng yên tâm, thoải mái sử dụng. Để tạo dấu ấn, chúng tôi cần làm ra con số hoàn toàn khác, đủ để khách hàng không thể tưởng tượng sẽ có dung lượng lớn đến vậy. Viettel Telecom tham khảo thị trường để đưa ra con số cụ thể 3 GB, 7 GB hay 30 GB.
Thực tế, nhu cầu sử dụng data tốc độ cao trên smartphone của người dùng rất lớn. Nếu thiết kế gói vài trăm MB, người dùng sẽ tiết kiệm, tự điều chỉnh hành vi và chỉ dùng trong khoảng đó. Khi dùng gói cước dung lượng lớn với giá thấp, nhu cầu khách hàng sẽ tự mở ra và thay đổi hành vi tiêu dùng.
Trước đây, mọi người thường gửi messenger với văn bản hay một vài ảnh. Hiện tại, người dùng chia sẻ nhiều hơn trên nền tảng di động, sẵn sàng sử dụng dịch vụ khác như xem phim - hoạt động tiêu tốn lượng lớn data tốc độ cao.
- Khi tung các gói cước “siêu tốc”, lưu lượng có thể tăng vọt. Viettel đã giải quyết bài toán hạ tầng ra sao?
- Một trong những kim chỉ nam của Viettel là luôn đi trước về công nghệ, sáng tạo để áp dụng vào thực tế. Năm 2017, khi các nhà mạng khác vẫn tập trung vào 3G, chúng tôi đã đầu tư trên 34.000 trạm 4G, thậm chí độ phủ rộng hơn 3G.
Khi đó, những gói cước data Viettel Telecom đưa ra chưa đến 40% hạ tầng. Tất nhiên, với lưu lượng tăng mạnh, chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ khu vực đông người sử dụng để phân bổ tài nguyên phù hợp. Về cơ bản, sau khi nâng dung lượng với các gói cước ST, chúng tôi vẫn đảm bảo chất lượng dịch vụ.
Trước đó, nhiều sản phẩm, gói cước của Viettel đang chạy chủ yếu trên nền 3G. Vì vậy khi Viettel Telecom triển khai gói cước dung lượng gấp 30-40 lần, thậm chí 100 lần, người dùng mới trải nghiệm rõ mức độ vượt trội của 4G, hành vi tiêu dùng cũng thay đổi theo.
- Ngoài kích cầu sử dụng data tốc độ cao và thúc đẩy tăng trưởng doanh thu mảng này, ông thấy tác động nào khác?
- Khi Viettel Telecom tạo ra sản phẩm này để phổ cập Internet di động tốc độ cao đến hơn 60 triệu khách hàng, các nhà mạng khác cũng không thể đứng ngoài cuộc. Họ tham gia và thiết kế sản phẩm tương tự phục vụ tập khách hàng của mình. Điều này góp phần vào sự phát triển chung của ngành viễn thông Việt Nam, tạo cú hích mạnh giúp phổ cập Internet di động tốc độ cao.
Đây không phải cuộc cạnh tranh giành thuê bao, mà là cuộc cách mạng khai thác hiệu quả, thúc đẩy sử dụng data. Điều này giúp toàn bộ người dân có cơ hội dùng dịch vụ dung lượng lớn và giá thấp hơn nhiều.
Trước đây, khách hàng dùng data của nhà mạng chiếm khoảng 40-45%. Sau sự ra đời của những gói cước phù hợp, lượng người dùng chọn data Viettel nói riêng lên đến trên 75%.
- Viettel Telecom dần chuyển từ công ty viễn thông sang cung cấp dịch vụ số. Cái tên nào mô tả đúng Viettel Telecom hơn: Công ty dịch vụ số hay công ty viễn thông số?
- Thực ra cả 2 cái tên đều được, nội hàm giống nhau: Công ty viễn thông chuyển dịch số trong giai đoạn 4.0, Viettel Telecom chuyển mình để cung cấp dịch vụ số trên nền tảng viễn thông.
Như tôi đề cập, các dịch vụ Viettel Telecom cung cấp thời gian tới dựa trên nền tảng Internet. Người dùng giảm nhiều hoạt động offline như đến điểm mua bán thương mại, khám chữa bệnh đơn giản. Với đường kết nối Internet tốc độ cao trên di động hoặc cố định, họ có thể mua sắm, sử dụng dịch vụ xã hội ở nhà hoặc bất kỳ đâu.
- Trong giai đoạn phát triển thứ tư của Tập đoàn Viettel - chuyển đổi số, những thay đổi bên ngoài rõ nét nhất của Viettel Telecom là gì?
- Thứ nhất, Viettel Telecom cùng các công ty thành viên tập trung phổ cập Internet cố định băng rộng đến mọi hộ gia đình Việt Nam. Viettel đang tiến tới mục tiêu mỗi hộ dân có một đường Internet cáp quang băng rộng và giữ mức tăng trưởng dịch vụ Internet cố định băng rộng ở mức 15-20%/năm.
Thứ hai với dịch vụ di động, chúng tôi đẩy mạnh tiêu dùng data 4G, đưa Internet di động tốc độ cao đến vùng sâu, xa và góp phần thúc đẩy các nhà mạng khác áp dụng dịch vụ này. Việc đưa kết nối Internet băng rộng cố định và di động đến với mọi người là nhiệm vụ quan trọng của Viettel Telecom hiện tại. Sắp tới, mục tiêu sẽ là 5G.
Thứ ba, bên cạnh việc tạo và duy trì kết nối Internet tốc độ cao, chúng tôi thực hiện số hóa toàn bộ quá trình cung cấp dịch vụ, từ đăng ký thuê bao, đến chăm sóc khách hàng hay dịch vụ khách hàng. Giờ đây, người dùng không cần đến quầy giao dịch nữa, có thể ngồi nhà sử dụng.
Ngoài ra, mật độ người dân sử dụng smartphone của Việt Nam còn thấp so với các nước phát triển khác. Đây là một mục tiêu Viettel cần phối hợp với nhà sản xuất thiết bị đầu cuối để có giải pháp phổ cập smartphone 4G, giúp người nghèo cũng có thể mua và sử dụng.
- Trong giai đoạn phát triển thứ 4, việc cung cấp dịch vụ của Viettel Telecom sẽ thay đổi ra sao?
- Viễn thông truyền thống đang có chiều hướng suy giảm, nhiều ứng dụng OTT trên nền tảng Internet thay thế cho di động truyền thống là thoại và SMS. Vì thế, Viettel Telecom chỉ có thể phát triển được khi thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ và tạo ra các dịch vụ số mới. Mục tiêu của chúng tôi cũng là trở thành doanh nghiệp chủ đạo trong việc kiến tạo xã hội số tại Việt Nam.
Thứ nhất, Viettel Telecom sẽ trở thành một doanh nghiệp chủ đạo trong việc kết hợp với các nhà cung cấp khác, phổ cập smartphone 4G cho mọi người dân, cung cấp các dịch vụ số mới trên nền tảng viễn thông.
Thứ hai, chúng tôi sẽ xây dựng nền tảng cho phép các doanh nghiệp khác dựa trên đó để phát triển các dịch vụ phục vụ khách hàng. Ví dụ như chương trình Viettel++ với ứng dụng My Viettel cho phép các doanh nghiệp, các tổ chức thương mại điện tử, chia sẻ dịch vụ và có thể mang nhữngsản phẩm của mình bán cho khách hàng Viettel.
Thứ ba, Viettel Telecom phải thay đổi để chăm sóc khách hàng tốt hơn, với việc cá nhân hóa nhu cầu cho từng khách hàng bởi họ có hành vi hoàn toàn khác nhau.
- Vậy những thay đổi lớn nhất bên trong Viettel Telecom giai đoạn này là gì?
- Rất khó để mọi người nhìn thấy sự thay đổi, chuyển dịch bên trong. Thế nhưng, muốn cung cấp nền tảng và dịch vụ số, Viettel Telecom phải số hóa toàn bộ bên trong trước.
Hiện nay, với gần 70 triệu khách hàng, với những hành vi hoàn toàn khác nhau, chúng tôi đang coi mỗi khách hàng là một cá thể riêng biệt. Nếu quá trình tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới trước đây kéo dài hàng tháng, hàng quý, thì bây giờ chỉ tính bằng giờ. Tất cả là quy trình số, áp dụng những công nghệ mới nhất như Big Data, AI hay IoT… để đưa ra quyết định và tạo ra sản phẩm dịch vụ.
- Nhìn lại quá trình phát triển 20 năm, ông có thể chia sẻ góc nhìn cá nhân về tương lai của Viettel Telecom?
- Thực sự, tương lai trong mắt tôi là rất nhiều thách thức cho Viettel Telecom. Trong 20 năm qua, chúng tôi đã có rất nhiều thành tựu, kết quả đã được ghi nhận bởi xã hội. Để có được kết quả đáng tự hào như thế trong các năm tiếp theo, chúng tôi sẽ phải cố gắng rất nhiều.
Từ lãnh đạo, chỉ huy cho đến từng nhân viên của Viettel Telecom đều phải có những bước sáng tạo, sự đột phá trong cách làm, cách tư duy để nắm bắt được xu thế về công nghệ, tạo ra thành tựu mới.
Đúng là khi công nghệ thay đổi sẽ có nhiều cơ hội mới, nhưng để tận dụng được cơ hội thì cán bộ, nhân viên Viettel Teleecom sẽ phải nỗ lực hơn nữa, và đầy quyết tâm thì mới có hy vọng nhảy vọt, tăng trưởng trong tương lai.
- Kỷ niệm 20 năm vào thời điểm đại dịch Covid-19. Người ta thường nói trong khủng hoảng sẽ có cơ hội, Viettel Telecom có nhìn thấy điều này?
- Trong dịch bệnh, hành vi tiêu dùng thay đổi nhiều. Đó là cột mốc khiến khách hàng dịch chuyển lên môi trường số nhiều hơn.
Có thời điểm, Viettel Telecom bỏ ra chi phí lớn để truyền thông, thuyết phục người dùng sử dụng dịch vụ số nhưng kết quả rất chậm. Còn trong và sau đại dịch Covid-19, những sản phẩm phục vụ online của chúng tôi được khách hàng đón nhận cởi mở hơn. Đây chính là cơ hội để chúng tôi sáng tạo thêm các sản phẩm số phục vụ cho nhu cầu mới của người dùng.
Devmaster Academy via zingnews