Toàn bộ hệ thống chỉ nặng 7kg.
Thiết bị lấy nước từ không khí của nhóm nghiên cứu.
Ở những vùng quanh năm khô nóng và không sẵn nguồn điện, một thiết bị có thể chiết xuất được nước từ không khí khô chỉ với nhiệt từ ánh nắng sẽ là phao cứu hộ với bất cứ cụm dân cư nào. Đó cũng là mục đích của nhà nghiên cứu Alina LaPotin công tác tại Viện Công nghệ Massachusetts với thiết bị mới.
Công cụ do nhóm nghiên cứu phát triển chứa vật liệu thấm hút có tên zeolite, có khả năng hấp thụ nước từ không khí ban đêm. Vào ban ngày, nhiệt độ từ Mặt Trời sẽ đi vào các tấm hấp thụ, cung cấp năng lượng cho thiết bị rút nước ra từ zeolite.
Bởi lẽ zeolite xốp và có diện tích bề mặt bên trong lớn, nó có thể hấp thụ lượng nước rất nhỏ có trong không khí khô nóng. Trong thử nghiệm, thiết bị có thể lấy nước từ không khí có độ ẩm chỉ 20% - mức thường thấy tại các sa mạc trên thế giới. Các hệ thống lấy nước từ sương sớm và sương mù chỉ vận hành được khi độ ẩm không khí tối thiểu là 50%.
Bên cạnh đó, hệ thống lấy nước từ sương chỉ hoạt động ở nơi nhiều sương mù, và hệ thống hấp thụ sương sớm lại cần nhiều năng lượng để lấy nước.
“Chúng tôi tập trung vào phát triển những hệ thống lấy nước linh hoạt và nhẹ nhàng”, cô LaPotin nói. Thiết bị của nhóm nghiên cứu làm từ acrylic, các tấm nhôm và đồng; toàn bộ hệ thống chỉ nặng 7kg.
Trong bài thử nghiệm, thiết bị có thể tạo ra 0,77 lít nước/ngày với mỗi mét vuông tấm hấp thụ năng lượng Mặt Trời. Hiện tại, nhóm MIT đang tìm cách tăng lượng nước mà zeolite có thể hấp thụ. Cô LaPotin nói rằng họ đã và đang nhắm tới những vật liệu hút nước hiệu quả hơn nữa, nhằm tăng hiệu năng thiết bị và sớm sản xuất hàng loạt trong tương lai.
Tham khảo New Scientist
Devmaster Academy via Genk