Các phiên bản khác nhau của Paint luôn được đóng gói với mọi phiên bản Windows, nghĩa là nó đã được cài đặt vào hàng tỷ máy tính trên toàn thế giới. Lý do theo ghi nhận từ DigitalTrends là người dùng Windows không cho phép Microsoft làm điều đó.
Microsoft đã thử một số cách để loại bỏ Paint ra khỏi danh sách các chương trình đi kèm với Windows. Mỗi lần như vậy, họ đều thất bại khi những người hâm mộ nhiệt tình từ khắp nơi trên thế giới bày tỏ sự phản đối. Điều này buộc người quản lý chương trình cao cấp của Windows – Brandon LeBlanc thừa nhận trên Twitter rằng: Paint sẽ vẫn là một phần của Windows 10.
Tại sao người dùng trong thế giới công nghệ hiện đại lại yêu thích một phần mềm hầu như không thay đổi trong hơn 30 năm qua? Liệu nó có còn chỗ đứng trong tương lai hay không? Và chúng ta có thể học hỏi gì từ khả năng “sống sót” qua một quãng thời gian rất dài của nó?
Paint xuất hiện vào thời điểm giao diện đồ họa cho người dùng còn là một điều gì đó rất lạ lẫm và hoàn toàn mới. Khi ý tưởng làm công việc sáng tạo nghệ thuật với một chiếc máy tính còn rất khó khăn, Paint đã xuất hiện và giúp mọi người có thể giải quyết việc này.
Một người bình thường có thể ngồi trước máy tính tại nhà, tạo ra hình vẽ từ các khối lập phương bằng một vài thao tác vuốt, kéo, nhấp chuột và lấp đầy màu sắc cho chúng bằng một vài cú nhấp chuột nữa. Bên cạnh đó, các hình vẽ được cố định trên các tọa độ chính xác.
“Tôi nghĩ mọi người yêu thích Paint vì nó là công cụ làm nghệ thuật kỹ thuật số đầu tiên họ tiếp xúc và không cần được đào tạo để sử dụng”, Patrick Hines (36 tuổi), người vẫn sử dụng Paint làm công cụ chỉnh ảnh trả lời Digital Trends.
Hình ảnh tạo ra từ Paint với độ chi tiết đáng kinh ngạc của Hines (ảnh trên) có thể tốt hơn nhiều so với hầu hết mọi người. Bí quyết của anh là sử dụng rất nhiều thời gian và sự nỗ lực. Hines chỉ là một nhân viên bảo vệ trong một viện dưỡng lão, nhưng anh chính là một ví dụ điển hình về việc Paint “biến” mọi người, dù là đàn ông hay phụ nữ trở thành một nghệ sĩ.
“Vào khoảng năm 2004, tôi đã vẽ một bức tranh về Boston, quê hương của tôi. Bây giờ, nó trông có vẻ lộn xộn và thô ráp, nhưng tại thời điểm đó, nó là bức tranh Paint đầu tiên mà tôi cảm thấy tự hào. Sau đó, tôi lựa chọn Paint như một phương tiện thiết kế ảnh chính”
Không cần đến một studio cá nhân đắt tiền, Paint cho phép Hines tạo ra các bức tranh trên PC Lenovo giá 200 USD với sự hỗ trợ của một con chuột giá 7 USD. Thậm chí, Hines sắp tự xuất bản cuốn thứ hai trong sê-ri sách điện tử Camp Redblood và có thể sử dụng Paint để tự mình thiết kế ảnh bìa.
Paint, với giao diện đơn giản, giúp người dùng nắm bắt ngay lập tức, tức có phần dân dã hơn các hệ thống chuyên nghiệp như Photoshop hoặc cao hơn nữa là những công cụ sử dụng AI (trí tuệ nhân tạo) có sẵn như hiện nay.
“Tôi yêu Paint vì nó thiếu sự can thiệp bằng phần mềm”, Sara Saab (34 tuổi), nhà sáng lập của công ty dịch vụ quản lý sản phẩm Ordinary Object cho biết. “Dùng Paint có cảm giác giống như làm việc nghệ thuật bằng chính đôi tay của bạn thay vì có được trải nghiệm được cấu trúc sẵn bởi ứng dụng. Nó giúp ta học được rất nhiều điều”, cô nói thêm.
Khi còn bé, Saab đã dành hàng giờ để tạo ra những bức chân dung trong Paint – cô vẽ bạn bè của mình, biến họ thành những siêu anh hùng. Ngày nay, Paint vẫn là công cụ ưa thích của cô.
Giá trị như một công cụ đồ họa phổ biến, dễ sử dụng của Paint vào thời điểm mọi người bắt đầu kết nối với internet vào những năm 1990 đã giúp nó trở thành một phần thiết yếu của ngôn ngữ hình ảnh trong đời sống trực tuyến ở thời kỳ đầu. Một kiệt tác thời Phục hưng, khoảnh khắc thể thao tuyệt vời, hoặc bìa album mang tính biểu tượng đều có thể được tái tạo bằng Paint.
Sự đơn giản của Paint giúp bất cứ ai cũng có thể làm được những bức ảnh theo ý muốn của họ, đó là lý do chúng ta thấy những meme (ảnh chế hài hước) phổ biến rộng rãi nhất trên mạng hiện nay đều được tạo ra bằng Paint.
“Mọi người có thể tạo ra meme ấn tượng ngay cả khi kỹ năng nghệ thuật của họ còn thiếu”, Steven Shaw (21 tuổi), một người thường dùng Paint tạo ra meme chia sẻ.
Đối với nhiều người dùng, họ đấu tranh kêu gọi Microsoft giữ lại Paint vì nỗi nhớ. Chúng ta vẫn có thể chơi game từ những năm 1990, nhưng bao nhiêu phần mềm của những năm 1990 bây giờ vẫn được sử dụng một cách thường xuyên? Và bao nhiêu trong số đó thậm chí vẫn hoạt động với máy tính hiện đại? Câu trả lời cho cả hai là rất ít.
Do giao diện Paint chỉ thay đổi rất nhỏ trong nhiều thập kỷ qua, nó chạm vào ký ức thời thơ ấu của chúng ta trong mỗi lần tiếp xúc, theo cách mà rất ít phần mềm khác làm được. Trường hợp của Paint nhắc nhở chúng ta rằng: Trong một số tình huống, mọi thứ đơn giản đã rất tốt rồi!
“Đôi khi những người như tôi, nhóm làm về thiết kế hoặc xây dựng phần mềm đã thêm quá nhiều sự phức tạp vào một ứng dụng và phát triển quá nhiều cách khác nhau để tương tác với nó”, Saab cho biết thêm.
“Paint là ví dụ kinh điển về việc một phần mềm không cần phát triển về tính năng hay cấu hình. Sản phẩm hầu như không thay đổi trong 3 thập kỷ. Tôi không nghĩ bất kỳ sản phẩm được yêu thích nào khác có thể tự hào về điều đó”.
Tại sao Microsoft Paint đáng để bảo vệ như một “di sản”? Bởi vì đây là một công cụ sáng tạo có thể tiếp cận ngay lập tức và được cài đặt mặc định trên hàng triệu hệ thống thiết bị phổ biến. Paint có một tác động văn hóa rất lớn.
Liệu Paint có tồn tại lâu dài như là một phần của Windows hay không, chúng ta vẫn còn phải chờ đợi. Tuy nhiên, người hâm mộ của Paint sẽ không đơn giản là để Microsoft quyết định điều đó. Một số người dùng đã tái tạo Paint bằng cách tạo ra các công cụ như JS Paint – mang đến cho bạn trải nghiệm Paint đầy đủ trên phiên bản Windows 95 bằng trình duyệt web của năm 2019.
Paint là một sản phẩm đưa chúng ta đến những giá trị cơ bản: Những điều chúng ta có thể làm với một pixel (điểm ảnh), hoặc một cụm của chúng, không phải với một khu vực được chọn, một hình ảnh được sao chép hay các lớp được tạo ra kiểu vô thực như Photoshop. Đơn giản với Paint chỉ là pixel.
Các quy tắc của Paint đều nhất quán và duy trì trong suốt hơn 30 năm cập nhật phần mềm bởi vì chúng không cần (và không có) thay đổi. Đôi khi chỉ cần như vậy để chúng ta xây dựng một bộ tính năng tốt cho ứng dụng.
Sẽ không có gì ngạc nhiên khi nhiều người tiếp tục sử dụng Paint trong một thời gian dài nữa. Tóm lại, nếu cái gì không hỏng, đừng sửa nó!
Devmaster Academy via TechTalk