Những đứa trẻ mới chỉ 3, 4 tuổi đã được bố mẹ đưa tới trường dạy code.
Khi Rishi Shiv P viết code, cậu bé 5 tuổi này không bị xao lãng bởi bất cứ điều gì. Đôi mặt của cậu chăm chú nhìn vào màn hình trong khi những ngón tay nhỏ bé nhảy múa trên bàn phím để mở các menu và xây dựng các vòng lặp lồng ghép vào nhau.
“Đây là game Flappy Bird”, cậu bé giải thích trong khi ngồi tại bàn làm việc của mẹ, góc yêu thích của cậu trong căn nhà ở Bengaluru, Ấn Độ. Trò chơi gần như đã hoàn thiện. Cậu bé chỉ cần thêm màu sắc đã chọn vào nền để làm nổi bật mọi thứ khi chú chim bay qua chướng ngại vật. Khi Rishi bận rộn tìm một mã lệnh phù hợp, mẹ của cậu Recheschwari Shiv đã kể cho phóng viên của trang Quartz về những game và đồ họa mà cậu đã tạo ra trong 4 tháng qua. Rõ ràng, qua những gì Shiv kể, cậu con trai của cô rất tài năng trong lĩnh vực lập trình.
Rishi Shiv P giải trí sau giờ học code
“Cháu rất thích môn bóng ném nên cháu đã tạo ra một game bóng ném trên máy tính”, Rishi hào hứng kể. Nhận thấy con mình rất quan tâm tới máy tính và công nghệ, cha mẹ Rishi đã đăng ký cho cậu theo học tại Whitehat Jr, một trung tâm chuyên cung cấp các khóa học lập trình cho trẻ em. Hiện tại, mỗi tuần Rishi dành khoảng 3 ngày để học code.
Giáo viên dạy Rishi code tại Whitehat Jr, anh Anchal Rekhi, rất tự hào về những tiến bộ mà cậu bé đạt được. “Khi Rishi tạo ra game bóng ném, tôi đã rất ngạc nhiên khi nhìn cách cậu bé sử dụng tính logic để điều chỉnh tốc độ bóng giúp nó trúng mục tiêu”, Rekhi – 29 tuổi, có bằng thiết kế đồ họa, chia sẻ. “Trẻ em chỉ code bằng cách kéo thả các đối tượng, mã lệnh, nhưng đôi khi chúng cực kỳ sáng tạo, Rishi nằm trong nhóm những đứa trẻ có khả năng code sáng tạo và tinh tế nhất”.
Trong thời đại kỹ thuật số ngày nay, hầu hết trẻ em học cách nhấp và vuốt trước khi biết đi hoặc biết nói chuyện mạch lạc. Smartphone và tablet là “núm vú kỹ thuật số”, luôn đồng hành và giúp trẻ em giải trí. Vì thế, nhiều phụ huynh đã quyết định cho con em mình học cách tạo ra những công nghệ mà chúng đang sử dụng hàng ngày ngay từ khi còn rất nhỏ.
Nắm bắt nhu cầu này, số lượng lớn trung tâm code và lập trình đã mọc lên tại các thành phố lớn ở Ấn Độ như Bengaluru, Delhi, Mumbai, Gurugram và Chandigarh. Hầu hết các trung tâm này đều dùng Code Studio, LightBot, Botley hoặc Scratch của MIT. Đây là một nhóm công cụ và nền tảng phổ biến tại phương Tây, nơi dạy trẻ em học code đã trở thành một ngành công nghiệp phát triển. Những trung tâm này sẽ giúp trẻ em hiểu cách tạo ra những phần mềm, những cấu trúc mã lệnh, ngôn ngữ mà máy tính có thể hiểu được.
“Trước khi Cách mạng Công nghiệp, chỉ có dưới 10% trường học dạy toán”, Karan Bajaj, người sáng lập Whitehat Jr vào năm 2018 tại Mumbai, chia sẻ. “Sau đó, mọi trường học đều dạy toán bởi nó là trung tâm của cuộc cách mạng công nghiệp. Hiện tại, chúng ta đang ở giữa cuộc cách mạng máy tính và các trường học cần nhận ra rằng code quan trọng chẳng kém gì những kỹ năng khác”.
Tại Whitehat Jr, Rekhi nói, trước tiên trẻ em sẽ được dạy các thuật ngữ như code, câu lệnh và thuật toán. Bài học tiếp theo là làm thế nào để chia nhỏ một tác vụ thành nhiều mã lệnh mà máy tính có thể hiểu được, một nhiệm vụ cơ bản nhưng cực kỳ quan trọng của nghề code và lập trình. “Để làm được điều này, các em không cần đọc và viết thành thạo bởi chúng tôi sử dụng các câu chuyện và hình ảnh để giải thích các khái niệm”, Rekhi chia sẻ.
“Ngay từ khi 4 hoặc 5 tuổi, trẻ em đã có suy nghĩ logic cơ bản. Vì vậy, trong các lớp học của chúng tôi, có những bé mới 6 tuổi đã tạo ra con ong biết đánh vần và bé 7 hoặc 8 tuổi đã tạo ra một UFO bay lượn thông qua các câu lệnh kéo thả. Chúng tôi sử dụng các công cụ và code dựa trên hình khối, tập trung nhiều hơn vào logic chứ không phải cú pháp giống như ngữ pháp của ngôn ngữ máy tính”, Bajaj bổ sung thêm.
Xây dựng game và viết ứng dụng không phải là lý do duy nhất thuyết phục các phụ huynh Ấn Độ cho con em mình đi học code từ sớm. Nhu cầu “xóa mù kỹ thuật số” ngày càng gia tăng và những trẻ em được tiếp cận sớm với công nghệ, code sẽ được cải thiện kỹ năng nhận thức và phát triển tư duy tính toán.
Bharat Divyang, sống tại Bengaluru, tốt nghiệp Học viện Công nghệ Ấn Độ, cha của 1 cậu bé 5 tuổi, hiện đang điều hành Học viện ZugZwang hay còn được anh gọi là phòng gym dành cho não. Tình yêu của Divyang với môn cờ vua và niềm tin vào dòng chảy trí tuệ đã thúc đẩy anh kết hợp cả hai để tạo ra các khóa học liên ngành về cờ vua, code và lập trình cho trẻ em từ 7 tới 14 tuổi.
Một ngày trong tuần, Rohit, 10 tuổi, đang bận rộn giải quyết thách thức trong ngôn ngữ lập trình Python. Cậu là thành viên trẻ nhất trong nhóm 7 học viên và đây là niềm đam mê của cậu. “Cháu thích giải quyết các thách thức trong Python“, Rohit nói. “Nếu nó ở một mức dễ, cháu có thể giải quyết 7 tới 8 thử thách trong một ngày nhưng đôi lúc cháu bị mắc kẹt và chỉ hoàn thành được có 1. Bạn bè của cháu không làm những điều này bởi đó là thứ thầy cô không dạy chúng cháu trong lớp học máy tính ở trường. Khi lớn lên, cháu muốn trở thành một kỹ sư phần mềm và có thể làm việc ở nước ngoài”.
Một tiếng sau, tới lượt các học viên khác. Ananya, 8 tuổi, được đưa cho một chiếc iPad có quyền truy cập và Lightbot, một game giải đố bằng code. Nhiệm vụ của cô bé là di chuyển một robot theo các hướng khác nhau bằng cách đưa ra những câu lệnh phù hợp cho hệ thống. Cô bé giải thích các quy tắc và những điều kiện cần tuân thủ cho phóng viên Quartz trong khi đôi tay thoăn thoắt chọn câu lệnh.
“Hiện tại, trẻ em được tiếp xúc với công nghệ ngay khi sinh ra nhưng sẽ tốt hơn nhiều nếu con cái của tôi tiếp cận công nghệ với hiểu biết cơ bản chứ không chỉ đơn giản là những người dùng thụ động”, Srivatsa Srinath chia sẻ. Anh đã cho cậu con trai Harshil 4 tuổi của mình theo học các lớp cờ vua vào năm 2018 và dự kiến sẽ học code vào năm nay.
Vượt ra ngoài việc học code cơ bản, gần đây Divyang còn giới thiệu lớp học về mã hóa. Tại đó, những đứa trẻ 8 và 9 tuổi được dạy về tiền mã hóa và mã hóa bằng các câu đố và nền tảng như Crytogram.
“Tôi không đảm bảo mọi đứa trẻ tham gia vào các lớp học này đều trở thành kỹ sư phần mềm trong tương lai” Divyang nói. “Các em có thể trở thành một nghệ sĩ, một bác sĩ, một họa sĩ hoặc một giáo viên, nhưng chúng tôi tin rằng code và khả năng tính toán điện toán sẽ giúp các em trở nên vượt trội trong bất kỳ ngành nghề nào mà các em là trong thế giới kết nối kỹ thuật số này”.
Năm 2017, Eupheus Learning, một startup công nghệ giáo dục từ Delhi, đã ra mắt Cubetto, một bộ công cụ code dành cho trẻ em. Cubetto là một robot đồ chơi bằng gỗ, có thể lập trình bởi những đứa trẻ 3 tuổi. “Chúng tôi đã giới thiệu Cubetto cho trẻ mầm non ở 300 trường học tại Ấn Độ”, Sarvesh Srivastava, sáng lập Eupheus Learning chia sẻ. “Cubetto là ngôn ngữ lập trình dạng khối dành cho trẻ em chưa biết chữ. Đây là giải pháp học code mà không cần màn hình giúp trẻ em hiểu các kiến thức cơ bản về lập trình”.
Cả các bậc phụ huynh và những chuyên gia giáo dục đều tin rằng code là phương thức hữu hiệu giúp trẻ em có suy nghĩ logic và biết cách giải quyết vấn đề trong bối cảnh hệ thống giáo dục Ấn Độ thiếu sự đổi mới, cơ sở hạ tầng và chương trình giáo dục lạc hậu. Điều này cũng giúp trẻ em sẵn sàng cho thị trường việc làm bị chi phối bởi khoa học dữ liệu và khoa học máy tính.
Raspberry Pi Foundation, một tổ chức từ thiện của Vương quốc Anh chuyên thúc đẩy nghiên cứu về giáo dục khoa học máy tính trong trường học, đã bắt đầu các chương trình lập trình Code Clubs và CodeDojo tại Ấn Độ. Ý tưởng của họ là giúp các trường học và cộng đồng có nguồn lực hạn chế tổ chức những lớp học lập trình cho trẻ em và tạo ra một sân chơi bình đẳng. Nhưng liệu có vấn đề gì phát sinh khi cho trẻ chỉ mới 3 hoặc 4 tuổi học code?
Latha Madhusudan, hiệu trưởng kiêm đồng sáng lập của Prakriti Waldorf Kindergarten ở Bengaluru, người ủng hộ ý tưởng trí thông minh tự nhiên và dạy học không gây căng thẳng cho rằng chúng ta không cần bổ sung thêm nhiều cỗ máy để dạy trẻ cách sống.
“Quan điểm bên trong một đứa trẻ được xây dựng bằng những tương tác của trẻ với thế giới bên ngoài”, Madhusudan nhận định. “Sinh lý của trẻ đòi hỏi sự phát triển của cả những kỹ năng vận động tinh và thô. Trẻ em đạt được điều này bằng cách dành thời gian chơi và sử dụng tay chân và cơ thể của mình để cuối cùng kiểm soát được toàn bộ hệ thống cơ thể. Những kỹ năng này sẽ kết nối bộ não. Cho trẻ tiếp xúc với công nghệ ngay từ khi còn bé sẽ lấy đi của chúng những khả năng đó và làm tổn thương vĩnh viễn tới sinh lý của trẻ”.
Đã có bằng chứng về việc công nghệ tái tạo lại kết nối của não và thay đổi cơ thể của chúng ta. Những người phản đối việc cho trẻ tiếp xúc với công nghệ từ sớm đề xuất rằng trẻ em nên được giáo dục toàn diện để tránh bị thu hẹp khả năng chú ý cũng như những ảnh hưởng xấu tới sức khỏe tâm thần. Trẻ em cần thích nghi với thế giới đang thay đổi nhưng cũng xứng đáng có một tuổi thơ như mọi đứa trẻ khác.
Mẹ của Rishi, Recheshwari Shiv nhận thức được sự cần thiết của tính cân bằng. “Rishi hay cả thèm chóng chán. Mỗi ngày cháu đều muốn khám phá những game mới và những điều mới mẻ trên máy tính nhưng tôi luôn đảm bảo rằng cháu được tương tác đầy đủ với thế giới bên ngoài và hạn chế thời gian dùng máy tính của cháu không quá 2 tiếng mỗi ngày”, cô nói trong khi chuẩn bị đồ để đưa Rishi ra ngoài chơi với bạn bè của cậu.
Nguồn: Devmaster Academy via Genk