Trung Quốc hiện đang hướng tới một tương lai mà quốc gia này có thể tự cung tự cấp cả về phần cứng lẫn phần mềm, thay vì phụ thuộc vào các sản phẩm của Mỹ như trước đây.
Theo thông tin mới đây từ trang tin MyDrivers, những chiếc CPU nội địa Trung Quốc do hãng Zhaoxin sản xuất đã tương thích với hệ điều hành Unity của nước này. Đây là kết quả của những nỗ lực tự cung tự cấp cả về mặt phần cứng và phần mềm của quốc gia này, thay vì phải phụ thuộc vào những sản phẩm công nghệ đến từ Mỹ. Nhất là khi Trung Quốc mới đây đã đưa ra một thể chế mới yêu cầu thay thế toàn bộ những sản phẩm phần cứng và phần mềm tại quốc gia này bằng các sản phẩm nội địa trong khoảng thời gian 3 năm tới.
Nguồn tin trên đến từ Tongxin Software, nhà phát triển của hệ điều hành Unity, khi mà hệ điều hành của họ đã hoạt động trên chiếc CPU KaiXian KX-6000 và KaiSheng KH-30000. Những chiếc CPU của Zhaoxin sử dụng kiến trúc 16nm với 8 nhân và tốc độ xung cơ bản là 3GHz. Theo lời hãng Zhaoxin, họ đã có kế hoạch sản xuất cho thế hệ CPU tiếp theo vào năm tới.
Chiếc CPU KaiXian KX-6000 do Zhaoxin sản xuất, được cho là mạnh ngang chip Core i5 thế hệ 7 của Intel
Về mặt hiệu năng, chiếc CPU KaiXian KX-6000 được cho là có sức mạnh tương đương những con chip Core i5 thế hệ 7 (Kaby Lake) của Intel. Chiếc CPU này cũng hỗ trợ DirectX 11.1, cùng với vi điều khiển bộ nhớ DDR4-3200 kênh đôi, và các giao tiếp cơ bản như PCIe, SATA, USB… Trong khi đó, con chip KaiSheng KH-30000 dành cho server cũng đang hoạt động hết sức ổn định trên các hệ thống server thử nghiệm.
Theo lời Tongxin Software, họ sẽ tiếp tục hợp tác với hãng Zhaoxin để tiếp tục tối ưu hệ điều hành Unity trên những chiếc CPU KaiXian và KaiSheng. Đồng thời, trong tương lai gần, hãng này sẽ phấn đấu để đảm bảo Unity sẽ chạy được trên những chiếc CPU nội địa Trung Quốc khác như Loongson, FeiTeng, ShenWei, Kunpeng và Hygon.
Còn mục tiêu được Tongxin ưu tiên hàng đầu trong thời điểm hiện tại vẫn là phát triển hệ điều hành Unity để tiến đến thay thế hoàn toàn hệ điều hành Windows tại Trung Quốc.
Devmaster Academy via GenK