Cụ bà Masako Wakamiya 83 tuổi, đã nghỉ hưu vào năm 1990 với nghề thư ký nhưng không dừng lại ở đó, cụ đã chứng minh việc học chưa bao giờ có giới hạn về tuổi tác và có thể học bất cứ điều gì. Vào đầu những năm 70, cụ đã học đàn Piano và đến năm 2017 khi đã hơn 80 tuổi, cụ bắt đầu học viết code.
Lúc mới bắt đầu, cụ Masako Wakamiya vẫn sử dụng bàn tính gảy. Thất vọng bởi ngành công nghệ kỹ thuật thiếu quan tâm đến người già, cụ tự học viết code và bắt tay vào lập trình, theo AFP.
"Ở tuổi này, ta sẽ mất đi nhiều thứ như chồng, công việc, tóc, thị lực. Những điểm trừ này khá nhiều. Nhưng khi ta bắt đầu học điều mới, dù là học lập trình hay học piano, đó lại là điểm cộng, là động lực", cụ Masako nói. "Trong kỷ nguyên Internet này, nếu ngừng học tập, nó sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống đời thường của ta".
"Trong kỷ nguyên Internet này, nếu ngừng học tập, nó sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống đời thường của ta"
Ngồi trong căn nhà ở gần Tokyo, cụ kể rằng mình bắt đầu quan tâm đến máy tính điện tử từ những năm 1990, khi nghỉ việc thư ký ngân hàng. Cụ mất vài tháng để thiết lập hệ thống đầu tiên, bắt đầu bằng tin nhắn BBS - tiền thân của Internet, trước khi hoàn thiện kỹ năng của mình trên máy tính của Microsoft, sau đó là Mac của Apple và iPhones.
Cụ từng yêu cầu các nhà phát triển phần mềm đưa ra nhiều ứng dụng hơn cho người già, nhưng không được quan tâm. Vì vậy, cụ quyết tâm tự làm. Cụ Masako đã học được mã hóa cơ bản và đã phát triển Hinadan, một trong những ứng dụng trò chơi đầu tiên của Nhật Bản cho người ở lứa tuổi ngoài 60. Năm nay, Apple mời cụ tham gia vào Hội nghị Phát triển Toàn cầu, nơi cụ là nhà phát triển app nhiều tuổi nhất.
Hinadan - cầu thang búp bê, lấy cảm hứng từ lễ hội búp bê Hina Matsuri diễn ra thường niên vào tháng ba, nơi những con búp bê đại diện cho nhà vua, hoàng tộc và khách mời được trưng bày theo vị trí đặc biệt.
Trong ứng dụng do cụ Masako phát triển, người dùng phải đặt chúng vào đúng vị trí phức tạp, đòi hỏi trí nhớ tốt. Ứng dụng được tải xuống 42.000 lần, với hàng trăm nhận xét tích cực từ người dùng.
Dù con số này nhỏ hơn nhiều so với các ứng dụng lớn khác của Nhật Bản, với hàng triệu lượt tải xuống, thì Hinadan đã chứng tỏ đủ mức độ phổ biến để cụ Masako lên kế hoạch phát hành phiên bản tiếng Anh, tiếng Trung Quốc và có thể là tiếng Pháp trước lễ hội năm sau.
Cụ Masako thừa nhận "viết code rất khó", nhưng cụ luôn khao khát được học hỏi thêm
Thành công của ứng dụng đã đưa cụ Masako lên vũ đài công nghệ cao, vượt qua cách biệt tuổi tác trong nghề. Tại thung lũng Silicon, một số công ty coi nhân viên 40 là đã già. Theo báo cáo của hãng Payscale, độ tuổi trung bình của nhân viên tại Facebook là 29, còn tại Apple là 31.
Tuy nhiên, các hãng công nghệ quốc tế và những công ty khởi nghiệp đang dần đánh thức tiềm năng kinh tế của việc phục vụ người già. Cụ Masako đã gặp Tim Cook, giám đốc điều hành Apple và được ông khen ngợi là "nguồn cảm hứng".
Cụ Masako thừa nhận "viết code rất khó", nhưng cụ luôn khao khát được học hỏi thêm.
"Tôi muốn thực sự hiểu được nguyên tắc lập trình cơ bản vì tại thời điểm đó, tôi chỉ học những điều cần thiết để tạo ra Hinadan", cụ giải thích.
Hơn 25% dân số Nhật Bản từ 65 tuổi trở lên và đến năm 2055, con số này dự kiến tăng lên 40%. Chính phủ đang cố gắng để những người này vẫn năng động và khỏe mạnh.
Cụ Masako muốn "đưa ra các ứng dụng khác để người cao tuổi giải trí, đồng thời truyền đạt được cho giới trẻ văn hóa và truyền thống mà người già đang gìn giữ".
"Hầu hết mọi người từ bỏ ý tưởng đi học khi về già. Tuy nhiên, thực tế là đi học không chỉ tốt cho học mà còn tốt cho kinh tế đất nước nữa", cụ Masako nói, cho biết mình bắt đầu học đàn piano năm 75 tuổi.
"Ngày nào tôi cũng bận tới mức không có thời gian nghĩ tới chuyện bệnh tật", cụ nói thêm, nhấn mạnh rằng có sức khỏe tốt nhờ đầu óc luôn sáng tạo và cuộc sống luôn bận rộn.
Nguồn: vnxpress.net