Microsoft đang phất, và với nguồn lợi nhuận của mình, họ đang tìm kiếm những hướng đầu tư để tiếp tục lấy đà sinh lời.
Có thể nói một trong số những khoản đầu tư đáng chú ý nhất của Microsoft thời gian gần đây chính là việc bỏ 1 tỷ USD cho startup phát triển trí thông minh nhân tạo OpenAI. Mục tiêu của Microsoft lẫn OpenAI là tạo ra những trí thông minh nhân tạo không chỉ mạnh mẽ về khả năng nghiên cứu, mà còn đáng tin cậy và “có đạo đức” nữa.
Thành lập vào năm 2015, OpenAI là một trong số hiếm hoi những công ty tập trung phát triển AGI (Artificial General Intelligence – mình xin tạm dịch là Trí thông minh Nhân tạo Tổng hợp), một bên khác cũng đang nghiên cứu AGI chính là DeepMind của Google. Theo như chính OpenAI chia sẻ, “AGI sẽ là một hệ thống có khả năng nghiên cứu sâu nhiều ngành hơn bất kỳ cá nhân nào trên thế giới. Nó giống một công cụ kết hợp trí tuệ của Marie Curie, Alan Turing và Johann Sebastian Bach.
Một hệ thống AGI nghiên cứu cách giải quyết một vấn đề sẽ có thể kết nối những dữ kiện mà con người không thể làm được. Chúng tôi muốn AGI làm việc với con người để giải quyết những vấn đề đa ngành chưa có lời giải hiện tại, bao gồm những thử thách toàn cầu như biến đổi khí hậu, dịch vụ y tế chất lượng cao cho mọi người, và giáo dục cá nhân hóa. Chúng tôi nghĩ tác động của AGI sẽ tạo ra nền kinh tế tự do cho tất cả mọi người, cho phép họ theo đuổi những gì mình đam mê, tạo ra những cơ hội mới mà ngày hôm nay chưa thể tưởng tượng được.”
Câu chữ mô tả tầm nhìn của OpenAI đầy tham vọng. Hiện tại chính bản thân họ cũng đang có những đột phá về trí thông minh nhân tạo mà không nhiều bên làm được. Đầu tiên là khả năng học hỏi “reinforcement learning”, tự học tăng cường, OpenAI 5 đã đánh bại được con người trong game DOTA 2. Dự án này không chỉ mô tả được tiềm năng của AI trong trò chơi điện tử, mà còn mô tả được lợi thế của tự học tăng cường đối với nhiều ngành khác như robot, bán lẻ hay lắp ráp chế tạo. Thứ hai là những tiến bộ trong mảng NLP, xử lý ngôn ngữ tự nhiên. Nhờ đó họ có thể tạo ra những hệ thống đáp ứng nhu cầu tương tác với ngôn ngữ con người như dịch thuật, tóm tắt hay thậm chí tạo ra những đoạn văn như con người viết ra.
Cũng không thể bỏ qua thực tế rằng ở thời điểm hiện tại AI vẫn còn chưa mạnh như nhiều anh em nghĩ, tính ứng dụng trong nhiều ngành nghề còn chưa cao. AGI cũng thế, phải một thời gian nữa nó mới ứng dụng được vào cuộc sống. Thậm chí AI còn chưa biết cách học để tạo ra thế giới quan như động vật học được hàng trăm nghìn năm qua. Đúng là AI có thể đánh bại con người ở một vài lĩnh vực nhờ vào việc phân tích rất nhiều dữ liệu. Nhưng con người không thấu hiểu và tương tác với thế giới như vậy. Thay vào đó, chúng ta đưa ra dự đoán và dùng lý lẽ để phân tích tương lai từ những dữ liệu đang có sẵn. Chúng ta có thể ngoại suy các sự kiện với tư duy thông thường và làm việc với những chủ đề chưa hoàn thiện. Đó là thứ AI chưa làm được. Nói ngắn gọn dễ hiểu, chúng ta chưa thể tạo ra một AI tự học để phục vụ hệ thống quét chữ qua camera, máy tính có thể hiểu được tất cả các ngôn ngữ trên thế giới.
Đó là lúc OpenAI và Microsoft phải nghiên cứu thêm nhiều năm nữa để giải quyết thử thách khó khăn này, và khi họ thành công, cả OpenAI lẫn Microsoft đều sẽ có lợi thế và lợi nhuận trong tương lai gần. Ấy là chưa kể tới vấn đề “đạo đức” của AI nữa. Khi những trí thông minh nhân tạo biết cách tự đào sâu lấy dữ liệu, con người càng cần quan tâm tới tác động của AI đối với xã hội. Deepfake là một ví dụ điển hình.
Nguồn: Devmaster Academy via TinhTe