Sony mới đây đã đăng một bản tóm tắt quá trình mổ xẻ PlayStation 5 lên kênh YouTube, tiết lộ toàn bộ chi tiết và cách thức hoạt động bên trong của mẫu console mới nhất của hãng.
Trong quá trình khai mở cổ máy chơi game khổng lồ, Sony hứa hẹn rằng nó sẽ chạy nhanh hơn và êm hơn so với các phiên bản trước. Và nhờ video mới này, các game thủ cũng như giới đam mê công nghệ giờ đây đã biết thêm về cách thiết kế mang lại các ưu thế đó như thế nào, nhưng quan trọng hơn, Sony đang hướng dẫn khách hàng cách mở và vệ sinh máy của họ, điều có thể giúp họ sửa chữa thiết bị tại nhà dễ dàng hơn.
Và không chỉ có cộng đồng game thủ cảm thấy vui mừng mà còn làm "cảm động" cả iFixit, một trong những trang web nổi tiếng nhất thế giới trong việc "mổ xẻ" đồ công nghệ cũng như hướng dẫn người dùng tự sửa chữa các thiết bị điện tử.
Bởi theo iFixit, việc được nhìn thấy "nội thất" bên trong của một hệ thống thiết bị mới đã là một điều tuyệt vời, nhưng việc chính nhà sản xuất Sony đã tự đăng lên video về quá trình này mới là điều ấn tượng nhất. Bởi các công ty công nghệ thường rất né tránh việc chỉ cho mọi người cách tháo rời các thiết bị của riêng họ.
"Điểm mấu chốt: mức độ minh bạch một cách đầy sảng khoái này đến từ một nhà sản xuất", Kyle Wiens, CEO của iFixit, chia sẻ. "Chúng tôi nghĩ rằng nó rất hữu ích. Mọi người nên biết cách mở sản phẩm của mình và việc nhà thiết kế chỉ cho bạn quy trình tiến vào bên trong sẽ giúp làm sáng tỏ công nghệ".
Với bộ công cụ chuyên dụng của mình, các nhân viên của iFixit có thể mổ xẻ các thiết bị công nghệ tới từng chi tiết nhỏ nhất.
Trên thực tế Wiens và nhóm của mình tại iFixit cũng sẽ thực hiện việc xé nhỏ một chiếc PlayStation 5 theo cách của riêng mình như thường lệ, nhưng ông cảm thấy dường như được khuyến khích bởi những gì mình đã làm từ trước đến nay.
Bởi có một thực tế là các công ty công nghệ thường không muốn nhìn thấy iFixit chỉ cho người dùng của họ cách sửa chữa mọi thứ một cách miễn phí,thậm chí đe dọa kiện cáo nếu mổ xẻ sản phẩm của mình. Bởi sửa chữa bảo hành là một trong những mảng kinh doanh đem lại doanh thu lớn cho nhà sản xuất. Và nổi bật nhất trong số đó là Apple.
Công ty Mỹ có trụ sở tại Cupertino kiếm được hàng tỷ USD mỗi năm từ việc sửa chữa sản phẩm rất không thích iFixit. Công ty đã tạo ra rất nhiều rào cản khác nhau nhằm ngăn cản người dùng có thể tự sửa chữa món đồ bị hỏng của mình. Thậm chí mới đây tài khoản Developer (nhà phát triển) của iFixit đã bị khóa và thậm chí ứng dụng iFixit trên App Store đã bị gỡ bỏ sau khi công ty này đăng tải những hình ảnh phơi bày các bộ phận bên trong của Apple TV.
Ngược lại iFixit cũng đáp trả không vừa. Tại trụ sở của mình ở San Luis Obispo, bang California, iFixit đã gắn logo Apple lên những chiếc thùng đựng rác. Và càng cấm, iFixit càng chăm chỉ mổ xẻ iPhone và hướng dẫn tỉ mỉ cho người dùng cách khắc phục các vấn đề mà họ có thể gặp phải trên thiết bị của mình. Họ cũng bán những linh kiện, công cụ tùy biến để thay thế cho linh kiện đắt đỏ của Apple. Chưa hết, tại 6 bang của nước Mỹ, 2 công ty này đang đấu tranh quyết liệt vì cái gọi là "quyền được sửa chữa" và nếu Apple thua, công ty sẽ mất quyền kiểm soát độc quyền nhiều thứ liên quan tới mảng kinh doanh từ việc sửa chữa thiết bị cho người dùng.
Quay trở lại với chiếc console PlayStation 5 thì đây là một máy chơi game kích thước lớn có thể đặt đứng thẳng hoặc nằm nghiêng. Nó có hai quạt hút ở mặt trước. Các tấm che màu trắng dễ dàng tháo ra, để lộ một quạt làm mát lớn bên trong, chiếm tới một nửa hệ thống. Nó thậm chí còn có hệ thống hút bụi mà Sony tuyên bố rằng có thể ngăn chặn bụi bay vào trong hệ thống, một vấn đề lớn đối với các mẫu PlayStations trước đây.
"Ấn tượng đầu tiên là kích thước lớn của thiết bị này là đến từ các yêu cầu làm mát", Wiens nói. "Rõ ràng là Sony đã nỗ lực rất nhiều trong việc giải nhiệt một cách lặng lẽ. Tôi nghĩ rằng phản hồi về việc PS4 Pro ồn ào đóng một vai trò ở đây. Chúng tôi cũng rất vui vì có bộ lưu trữ có thể nâng cấp theo tiêu chuẩn NVME, nhưng chúng tôi không biết chắc liệu điều đó có hoạt động với các sản phẩm được bán ra trên kệ hay không."
Tham khảo Vice
Devmaster Academy via Genk