Xin lỗi các bạn nha, cái tiêu đề bài này cũng chỉ là đùa thôi.
Cơ mà dù không phải là sự hài hước sẽ thay đổi ngành IT, nhưng sự hài hước sẽ thay đổi cách bạn nhìn nhận công việc của mình, cũng như cách những người thân của bạn nhìn nhận về ngành IT, nơi mà các bạn đang làm việc.
Gần đây mình có đọc cuốn “Hài hước một chút, thế giới sẽ khác đi”. Kết hợp với những trải nghiệm của bản thân trong quá trình làm việc và quản lý dự án, mình muốn chia sẻ tới các bạn những bài học kinh nghiệm và hướng đi tiếp theo để vận dụng sự hài hước một cách hiệu quả nhất; nhằm mang lại một môi trường làm việc thú vị cho các member trong team, cũng như cho chính bản thân mình.
Mình vốn dĩ không phải người hài hước, hiện tại cũng chưa trở thành người hài hước được, mà mới chỉ lò dò trên con đường đó thôi. Vì vậy những nhận định của mình trong bài viết có thể có nhiều điều sai lè, mong các bạn nhiệt tình đóng góp ý kiến.
Nào chúng ta cùng bắt đầu nhé.
Làm việc với các con số, thuật toán, công thức, dòng code, biểu đồ, schedule…vv, không bị coi là khô khan thì hơi phí.
Em chẳng lấy chồng IT đâu
Tối ngày code kiếc mệt cả đầu
Nửa đêm chúng mình đang say giấc
Giật mình anh hỏi “bug ở đâu?”.
Em chẳng lấy chồng IT đâu.
Đầu to mắt cận, mặt ngầu ngầu
Suốt ngày fix bug và soi lỗi
Lâu thành khó tính tốt gì đâu.
Em chẳng lấy chồng IT đâu
Lãng mạn thì không, cứng cả đầu
Cắm đầu thuật toán và thuật toán
Cả ngày ngơ ngẩn, buồn gì đâu.
Ngày trước cô gái mà mình quen cũng từng rất cảnh giác:
“Em thấy người yêu bạn em làm IT hay cáu gắt với căng thẳng lắm.”
May sao câu sau không phải là:
“Anh lượn đi cho nước nó trong” 😅
Nguyên nhân và hậu quả của việc OT mình đã trình bày rất chi tiết trong các bài viết dưới đây, các bạn tham khảo nhé.
Trong hoàn cảnh căng thẳng và mệt mỏi như vậy, thiếu đi sự hài hước rất dễ dẫn tới xung đột, cãi vã và đổ lỗi trong team.
Trong bài viết Sự khác biệt giữa SE và BrSE trước khối lượng công việc lớn mình cũng có đề cập tới vấn đề này. Lập trình không những khó, mà trách nhiệm của công việc ấy còn rất lớn. QA cũng không ngoại lệ. Để một bug lọt ra ngoài, hàng ngàn hàng vạn, thậm chí là hàng triệu users bị ảnh hưởng. Rủi ro an toàn thông tin cũng lớn, ảnh hưởng tới cả công ty lẫn khách hàng.
Những lúc vấn đề xảy ra, nếu không khéo léo sử dụng sự hài hước thì người quản lý dễ gây áp lực nặng nề và gánh nặng tâm lý cho member của mình hơn.
Tạo được một môi trường để mọi người cảm thấy “an toàn”, dám thẳng thắng nói ra các vấn đề còn tồn tại hay nguy cơ gây ra lỗi là điều rất khó nếu cứ giữ cung cách cứng nhắc và máy móc.
Vâng, lúc nào cũng thế, không chỉ tính chất công việc căng thẳng, mà sự hợp tác trong công việc đôi khi cũng là một sự căng thẳng nữa. Hợp tác mà như tranh đấu.
Sự tranh đấu này là cần thiết để đảm bảo một sản phẩm khi đưa ra thị trường có chất lượng cao. Tuy nhiên tranh đấu luôn có tổn thương.
QA: Chú code thối thế! không test qua lại trước rồi mới chuyển qua hay sao?
Dev: Làm QA mà không hiểu spec, đọc kỹ lại đi rồi hãy bắt bug!
Những câu nói đại loại như vậy chắc hẳn không ít người từng được nghe trong môi trường IT. Dù vô tình hay cố ý, nó đã chạm vào lòng tự trọng của đồng nghiệp, khiến người đó tổn thương.
Sau này sự hợp tác dù tiếp tục cũng ở trong tình trạng “Bằng mặt nhưng không bằng lòng”, ảnh hưởng rất nhiều tới teamwork trong dự án.
Đây là vấn đề của dân văn phòng nói chung, nhưng đặc trưng nhất với ngành IT, nơi mà tất cả mọi công việc đều gắn chặt với màn hình máy tính. Nhìn nhiều khiến thị lực giảm sút, đau hốc mắt, đau đầu…vv dễ dẫn tới sự cáu gắt và những lời nói vô tình làm tổn hại tới mối quan hệ trong team.
Là nơi của sự căng thẳng; chất lượng đảm bảo bằng sự tranh đấu và khả năng teamwork.
Là nơi của sự khô khan, của những con người bị sự khô khan ấy khiến cho họ cũng chẳng thể ẩm ướt; xung đột rất dễ bùng nổ nếu người quản lý không đủ khéo léo trong việc xử trí.
Thì vai trò của sự HÀI HƯỚC thật sự rất quan trọng.
Tại sao mình lại khẳng định như vậy? Và làm thế nào để có sự hài hước và áp dụng nó vào trong các dự án, mời các bạn cùng tiến đến phần tiếp theo.
Trong ví dụ mình đưa ra ở trên. Thay vì cuộc hội thoại là:
QA: Chú code thối thế! không test qua lại trước rồi mới chuyển qua hay sao?
Dev: Làm QA mà không hiểu spec, đọc kỹ lại đi rồi hãy bắt bug!
Trở thành:
QA: Chú thử thách trình test của chị à? Giấu cả feature mới vào để tặng khách hàng.
Dev: Em làm gì dám giấu đâu chị, là thằng khách hàng nó giấu vào spec đấy, chị đọc chỗ này xem em hiểu có đúng không?
Thì mọi chuyện đã nhẹ nhàng hơn rất nhiều. QA coi đó là bug nhưng lại hóm hỉnh gọi đó là feature để nhắc dev sửa lại. Dev biết rằng QA quên chưa đọc spec nhưng khéo léo đẩy lỗi sang cho khách hàng chủ ý giấu spec chỗ đó đi.
Trong trường hợp này, nếu QA nói như cách đầu tiên, sẽ tự dưng bị hớ, mình vừa bị bóc phốt, lại vừa xúc phạm tới dev vì chê trình độ của dev cùi. Trong thực tế dự án spec có thể thay đổi thường xuyên, đôi khi mọi người có thể quên đọc bản mới nhất, hay có đọc rồi cũng không hiểu chính xác được. Nên nếu nói như cách thứ nhất, có khi Dev cũng bị hớ khi hiểu ý spec bị sai. Cách thứ 2 vừa nhẹ nhàng, vừa an toàn lại giữ hoà khí cho cả 2 bên.
Đây chỉ là ví dụ giữa Dev và QA mà thôi, nếu là Manager càng cần phải chú ý hơn nữa.
Vì mỗi lời nói của Manager không chỉ thể hiện mối quan hệ giữa member-với-member trong team, còn thể hiện sự đánh giá, ảnh hưởng sát sườn tới quyền lợi về kinh tế và vị trí của người đó nữa. Càng căng thẳng, càng khiến người ta lo sợ và áp lực, không gần gũi và chia sẻ được với người quản lý tâm tư và những ý kiến chân thành của mình.
Trong lúc căng thẳng, đôi khi chỉ một câu nói hài hước thôi, cũng xua đi bầu không khí nặng nền, mang đến động lực cho mọi người.
Hài hước như một thứ dầu bôi trơn giúp mọi chi tiết trong cỗ máy hoạt động trơn tru và nhịp nhàng hơn.
Tuy nhiên, để trở thành người hài hước thực sự, chúng ta phải hiểu rõ và tránh những ý hiểu sai lầm về sự hài hước đã.
Đúng là hài hước vốn là cách nhìn mọi chuyện mọi sự một cách thông minh, tinh tế và hóm hỉnh. Tuy nhiên đây là kĩ năng học được, không ai bẩm sinh cũng đã có máu hài hước trong mình.
Mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau, người có điều kiện tốt hơn thường có được tâm lý nhẹ nhàng nên sự hài hước ở họ dễ có hơn. Nhưng ngược lại, những người trải qua khó khăn, giông bão mà vẫn nhìn ra được sự vui tươi, lạc quan trong cuộc sống thì sự hài hước của họ sâu sắc và thâm thuý hơn nhiều.
Hài hước hoàn toàn không liên quan gì tới việc nói bậy, nói tục, hay nói về những vấn đề nhạy cảm abcxyz cả.
Nhiều người cứ bô bô mày, tao chi tớ, đéo, vãi vủng…vv; rồi nói những chuyện nhạy cảm khiến người ta đỏ mặt; tưởng rằng như thế là vui, là hài. Nhưng thực ra đó chỉ là biểu hiện của sự trẩu tre, bí chuyện và hơi thiếu văn hoá mà thôi. Càng dùng nhiều sẽ càng mất hình ảnh trong mắt người khác.
Có nhiều cách để vui đùa hài hước, nhưng nên hạn chế nói về những khuyết điểm của đối phương. Bạn thân đã nên hạn chế, người chưa thân càng phải tiết chế hơn. Vì dù không cố ý, nhưng vẫn dễ bị người kia hiểu lầm và tự ái.
Nếu bạn là một người hài hước sẵn rồi thì xin chúc mừng. Mình rất GATO vì bạn là người mang lại cho người khác những phút giây thư giãn nhẹ nhàng và đáng yêu đấy.
Tuy nhiên, từ một người chưa hài hước, để trở thành người hài hước thì bạn nên có một mindset đúng đắn về hài hước đã. Như mình đã nói ở trên, mỗi người, mỗi hoàn cảnh sẽ có hoặc không có, sẽ nhận thức về hài hước rất khác nhau.
Thứ nữa là “mong muốn” chân thành trở thành người hài hước nữa.^^
Trong ví dụ trên kia, chỉ bằng việc nhìn nhận bug như là một feature thôi, chị QA đã hoá giải mọi nguy cơ dẫn tới xung đột rồi.
Buồn cũng là một ngày, vui cũng là một ngày. Kiểu gì nó cũng phải trôi qua thôi. Sao không chọn cách nhìn nó như là một niềm vui nhỉ?
“Mặt biển vì rộng nên bao la, mặt đất vì rộng nên tràn đầy sức sống, bầu trời vì rộng nên khoáng đạt trong xanh; vậy thì con người cũng nên vì rộng lượng mà trở nên cao thượng hơn.”
Chỉ có rộng lượng thì người ta mới đứng ở nhiều góc độ để nhìn nhận vấn đề. Mới có thể bình tĩnh tìm ra cái chất hài trong mỗi câu chuyện thay vì chăm chăm đi trì triết đối phương…vv
Hơn nữa khoan dung cũng là tự giải phóng cho bản thân mình. Khỏi những sân si, ham muốn và tránh để cho chúng làm mình gây tổn thương nên người khác.
Trải nghiệm, có đủ năng lực, đủ trình độ là điều kiện tiên quyết để bạn có thể bao dung và rộng lượng với người khác. Cũng là điều kiện để bạn hiểu rõ những câu nói đùa hài hước sâu cay.
“Kẻ yếu thì không bao giờ có thể tha thứ cho người khác. Lòng vị tha là đặc điểm của kẻ mạnh”
-Mahatma Gandhi-
Tôn trọng mọi người là điều kiện tiên quyết để tránh được việc trêu đùa những khuyết điểm của người khác, tránh việc nói bậy, nói tục và chửi thề bừa bãi.
Sự nhường nhịn không ham thắng thua giúp tâm tĩnh và sáng hơn để nhận ra những điểm thú vị trong mọi hoàn cảnh. Sự nhường nhịn vốn cũng là đặc điểm của người có tâm thế tự tin và mạnh mẽ hơn.
Bài viết có thể rất dài, nhưng tóm gọn lại mình vốn chỉ mong mọi người và bản thân mình có một góc nhìn thoáng hơn, cởi mở hơn; để có thể đưa sự hài hước vào mỗi dự án, khiến những đồng nghiệp làm việc cùng mình cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái và vui vẻ hơn.
Mỗi dự án trôi qua, buồn cũng là một án, căng thẳng cũng là một dự án, vui vẻ nhẹ nhàng cũng là một dự án. Việc lựa chọn điều gì lưu lại nơi bạn và từng người từng người đã làm việc với bạn là do bạn.
Chúc các bạn sớm trở thành người hài hước nhé!
PS: Cơ mà nó không dễ tí nào đâu
Đây là một vài câu nói hài hước trong ngành IT, mọi người tham khảo nhé!
Nếu IE đã dám yêu cầu bạn đặt nó làm trình duyệt mặc định
Thì bạn chẳng có lý do gì mà không dũng cảm mở lời với cô gái mình thích.
-Sưu tầm-
“Em muốn sống chậm lại một chút” – cô nói
Nên anh update con Iphone của cô lên phiên bản iOS mới nhất.
-Sưu tầm-
Máy tính là cỗ máy ngu ngốc, có thể làm những điều rất thông minh
Lập trình viên là người thông minh, có thể làm những điều vô cùng ngu ngốc
-Bill Bryson-
Nguồn: Sưu tầm từ internet via Viblo