Ý tưởng nảy sinh từ một bài báo
Với mô hình “Cảnh báo quên trẻ em trong xe ô tô qua tin nhắn SMS và cuộc gọi”, hai học sinh Nguyễn Thành Đạt, lớp 12A1 và Nguyễn Hồng Hà, lớp 11A8 (Trường THPT Bãi Cháy, TP Hạ Long, Quảng Ninh) đã giành giải Nhì Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Quảng Ninh lần thứ V năm 2019.
Thiết bị thông minh này đã gây ấn tượng với rất nhiều người. Chủ nhân của mô hình này mong muốn rằng, khi sản phẩm được kiện toàn, được đưa vào ứng dụng thực tiễn sẽ giúp các em nhỏ được bảo vệ sau những hành động lơ là của tài xế hay phụ huynh khi họ rời khỏi chiếc xe ô tô đóng kín.
Cầm trên tay thiết bị cảnh báo, Nguyễn Thành Đạt cười lớn rồi giới thiệu: “Nhìn nó hơi xù xì nhưng là đứa con cưng của bọn em”.
Đạt cho biết, ý tưởng sản phẩm đã được hình thành cách đây hơn 1 năm, sau khi Đạt đọc được một bài báo đề cập đến thông tin hơn 20 năm qua ở nước Mỹ có hơn 690 trẻ tử vong vì bị bỏ quên trong ô tô đóng kín, đồng nghĩa cứ 10 ngày “tử thần” lại lấy mạng một đứa trẻ. Mới đây nhất là vụ một trường học ở Hà Nội để quên em học sinh trên xe dẫn đến tử vong.
“Các nhà chức trách đã chỉ ra được nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên chính là do người lớn quên con đang ở trong xe hoặc đứa trẻ mò được vào trong xe mà người lớn không hay biết và thậm chí có trường hợp người lớn cố tình để trẻ trong xe. Vì muốn có một thiết bị cảnh báo an toàn và bảo vệ cho các em nhỏ nên chúng em đã cố gắng hoàn thành mô hình này. Chỉ hy vọng sản phẩm ngày càng được hoàn thiện để ứng dụng vào cuộc sống hoặc sẽ là cảm hứng để một chuyên gia hay công ty nào đó sáng tạo ra một sản phẩm chuyên biệt, hiệu quả”, Đạt chia sẻ.
Mô tả về hoạt động của thiết bị, Nguyễn Hồng Hà cho biết, sản phẩm gồm 2 bộ phận được kết nối với nhau bằng dây điện, bao gồm một bộ cảm biến đặt tại vị trí người lái xe, một bộ cảm biến chuyển động được lắp đặt trên trần xe ô tô.
Sau khi người lái xe rời khỏi ghế, cảm biến siêu âm đo khoảng cách lớn hơn 25cm được 10 phút, hệ thống sẽ bắt đầu kiểm tra cảm biến chuyển động, nếu không phát hiện thấy chuyển động, hệ thống sẽ tiến hành bật còi chíp trong xe đánh thức trẻ đề phòng trường hợp trẻ đang ngủ. Sau khi bật còi 2 phút, hệ thống tắt còi và tiến hành kiểm tra cảm biến chuyển động lần 2, nếu phát hiện có chuyển động, lập tức bật còi báo động ngoài xe và gửi tin nhắn với nội dung cài đặt sẵn “Có thể bạn đã để quên trẻ trong xe, vui lòng kiểm tra!” đến số điện thoại tài xế hoặc phụ huynh đã được cài đặt sẵn trong thiết bị.
Tiếp đó, trong trường hợp an toàn, tài xế sẽ nhắn lại cho thiết bị tin nhắn có nội dung “stop”, hệ thống sẽ dừng cảnh báo và chờ đến phiên tiếp theo, khi có lái xe vào và đi ra khỏi xe. Nếu không nhận được tin nhắn “stop”, hệ thống tiến hành cảnh báo cấp 2 bằng cách liên tục gọi điện đến số điện thoại của tài xế cho đến khi không còn nhận diện được chuyển động hoặc nhận được tin nhắn “stop” thì dừng hoàn toàn cảnh báo và chờ phiên làm việc tiếp theo.
“Thiết bị cảnh báo quên trẻ em trên xe ô tô qua tin nhắn SMS và cuộc gọi lắp đặt đơn giản, không can thiệp đến hệ thống điện trên xe. Pin của thiết bị có thể hoạt động 24 tiếng đồng hồ và được nạp năng lượng như một chiếc điện thoại di động bằng dây cắm có sẵn trên xe. Đặc biệt, thiết bị này vẫn hoạt động kể cả khi đã tắt máy xe, tự động sạc lại pin và có thể mở rộng thêm tính năng tự động kéo cửa kính khi nhiệt độ trong xe quá cao”, Nguyễn Thành Đạt cho biết.
Theo đuổi ước mơ sáng tạo kỹ thuật
Để sáng chế ra được thiết bị cảnh báo trên, Đạt và Hà đã bỏ ra khoảng 300 nghìn đồng cho việc mua nguyên liệu, vật dụng, chưa tính những lần thay thế mạch điện mỗi khi bị nổ, chập rồi phải làm lại. Có thời điểm, việc lắp ráp và chạy thử thiết bị được thực hiện trong đêm muộn.
“Thiết bị cảnh báo quên trẻ em trong xe ô tô qua tin nhắn SMS và cuộc gọi suýt nữa đã không được ra đời vì trước đó chúng em lựa chọn mô hình sáng chế thiết bị cảnh báo ngủ gật trong xe ô tô khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, với mô hình cảnh báo ngủ gật đòi hỏi kỹ thuật phức tạp hơn, công nghệ đắt tiền hơn và mất nhiều thời gian hơn nên chúng em thống nhất phương án thay thế mô hình sản phẩm. Khi có đủ điều kiện, chúng em sẽ bắt tay thực hiện sản phẩm cảnh báo chống ngủ gật”, Nguyễn Thành Đạt tiết lộ.
Cô giáo Bùi Thị Tuyến, giáo viên trực tiếp hướng dẫn hai em Đạt và Hà thực hiện mô hình cho biết: “Hiện, trong nước chưa có thiết bị cảnh báo quên trẻ trong xe hoặc tính năng tương tự được nghiên cứu và áp dụng thực tiễn. Các thiết bị của nước ngoài đòi hỏi yêu cầu đặc biệt như can thiệp hệ thống điện xe, cần có ghế dành riêng cho trẻ em, không có khả năng thông báo từ xa qua điện thoại hoặc không có khả năng thông báo cho người xung quanh và có giá thành cao. Do đó, sản phẩm của Đạt và Hà có khả năng đưa vào cuộc sống, nhưng vẫn cần nghiên cứu và phát triển thêm”.
Khi được hỏi về ước mơ của mình, Đạt không ngại ngùng chia sẻ về kế hoạch tương lai khi cho biết sẽ dự thi vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội để theo đuổi ngành công nghệ kỹ thuật và được sáng tạo những sản phẩm thiết thực cho cuộc sống. Còn cậu học sinh lớp 11, Nguyễn Hồng Hà cũng đã xác định ngôi trường tương lai là Đại học Kiến trúc Hà Nội để theo đuổi đam mê của mình.
Devmaster Academy via GiaothongHanoi