Người Việt Nam sẽ được định danh qua di động, thanh toán qua tài khoản di động, mua bán trên mạng, theo mục tiêu năm 2021 của Bộ TT&TT.
"Năm 2021, những nền tảng cốt lõi phục vụ kinh tế số, xã hội số cần tiếp tục hoàn thành, như nền tảng định danh số trên di động, thương mại điện tử, logistic, thanh toán qua Mobile Money", ông Đỗ Công Anh, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Tin học hoá, Bộ Thông tin và Truyền thông, phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 của bộ.
Theo ông Công Anh, những nền tảng trên sẽ góp phần đưa cuộc sống người Việt Nam lên môi trường số nhanh và an toàn hơn, đặc biệt là người dân ở vùng nông thôn, miền núi. "Mỗi người dân sẽ được định danh, xác thực thông qua di động, thanh toán qua tài khoản di động, tiến hành các hoạt động thương mại, mua bán trên mạng", ông Công Anh nêu nhiệm vụ của năm 2021.
Việc định danh người dân đang áp dụng phương thức dùng thẻ căn cước công dân gắn chip, tuy nhiên, theo Phó Cục trưởng phụ trách Cục tin học hoá, việc định danh thông qua thiết bị di động sẽ hỗ trợ mạnh hơn. "Qua thiết bị di động, người dân có thể định danh mình là ai ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào, bởi ngày nay, điện thoại di động lúc nào cũng trên người", ông Công Anh nói. Ông cũng khẳng định, việc định danh qua di động sẽ phải tiến hành song song với phổ cập smartphone.
Bên cạnh đó, các nền tảng thương mại điện tử Việt Nam cần tìm cách tiến về vùng sâu vùng xa. Theo ông, ngoài việc giúp người dân thoát nghèo, đây còn là chiến lược phát triển thương mại đặc thù trong nước. Theo các báo cáo gần đây, mức độ tăng trưởng tiêu dùng ở miền quê, vùng nông thôn ngày càng cao.
Ông Đỗ Công Anh phát biểu tại Bộ TT&TT, sáng 12/1. Ảnh: Bùi Tuấn
Tại buổi triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Bộ TT&TT, ông Đỗ Công Anh cho rằng, muốn hiện thực hoá khát vọng phát triển đất nước, Việt Nam phải nhanh chóng nắm bắt thời cơ, thực hiện công cuộc chuyển đổi số nhanh hơn, toàn diện hơn.
Để đẩy nhanh chuyển đổi số trong năm nay, Phó Cục trưởng Tin học hoá cho rằng, mục tiêu là hoàn thành các chỉ tiêu cơ bản về Chính phủ điện tử, cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, đồng thời hoàn thành và đưa vào khai thác hai cơ sở dữ liệu quốc gia, gồm dân cư và đất đai, trong năm 2021.
Mỗi lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số quốc gia sẽ xác định ra những nền tảng quốc gia quan trọng, để xây dựng và triển khai trên toàn quốc. Năm 2020, việc này đã được thực hiện trên lĩnh vực Y tế và Giáo dục. Ngoài ra, cần thực hiện chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số. Năm 2021 cũng là năm thực hiện sáng kiến Mở để phát triển công nghệ số.
Phát biểu trong Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông sáng 12/1, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: "2021 là năm đầu của giai đoạn 5 năm để Việt Nam vượt qua thu nhập trung bình thấp, là năm đầu của giai đoạn 10 năm để đến năm 2030 Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình cao. Chuyển đổi số, cùng với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, cách mạng công nghiệp lần thứ 4, là con đường để đạt mục tiêu đó".
Theo ông Hùng, chuyển đổi số sẽ mang lại đột phá và một trong số đó là đưa mọi hoạt động lên môi trường số, toàn dân và toàn diện. "Chuyển đổi số thay đổi cách chúng ta vận hành công việc và cuộc sống. Nó làm cho những người nghèo nhất tiếp cận được những dịch vụ tốt nhất, nhưng với giá rất rẻ. Mỗi người, mỗi hộ dân, mỗi doanh nghiệp nhỏ cũng có thể tiếp cận thị trường toàn quốc và toàn cầu, và vì thế thúc đẩy tất cả mọi người kinh doanh làm giàu", ông Hùng nói.
Năm 2020, chương trình chuyển đổi số đã đạt được nhiều thành tựu. Đại diện Cục Tin học hóa dẫn ví dụ trong ngành Y tế, đã có hơn 1.500 điểm khám chữa bệnh từ xa được kết nối, phần mềm quản lý cơ sở y tế phủ trên 12.000 trạm y tế. Trong lĩnh vực Giáo dục, 53.000 trường học, 1,4 triệu giáo viên, 23 triệu học sinh sinh viên đã học trực tuyến trong giai đoạn Covid-19. Tỷ lệ học trực tuyến tại Việt Nam đạt 80%, cao hơn mức trung bình 67,15% của thế giới. Theo số liệu từ Google Trends, mức độ quan tâm về Chuyển đổi số tăng 8 lần so với giai đoạn đầu 2020.
Devmaster Academy via vnexpress