Trường Fletcher thuộc Đại học Tufts (Mỹ), hợp tác cùng Mastercard vừa công bố Chỉ số Thông minh Kỹ thuật số (Digital Intelligence Index - DII), thể hiện những tiến bộ mà các quốc gia đã đạt được trong việc thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số. Chỉ số năm nay xét hai thành phần: Phát triển kỹ thuật số và Niềm tin kỹ thuật số.
Kinh tế kỹ thuật số rộng cửa phát triển tại Việt Nam
Theo đó, tại châu Á - Thái Bình Dương Singapore, Hong Kong (Trung Quốc), Hàn Quốc, Malaysia là những nền kinh tế năng động nhất về kỹ thuật số. Những nền kinh tế này có nguồn nhân lực sẵn sàng ở mức độ cao, hợp tác R&D tích cực giữa ngành công nghiệp và giới nghiên cứu, cũng như thành tựu lớn trong việc tạo ra và đưa các sản phẩm kỹ thuật số trở thành xu hướng.
Úc, New Zealand và Nhật Bản được ghi nhận là các nền kinh tế kỹ thuật số đã trưởng thành, có trạng thái chấp nhận kỹ thuật số cao, tuy nhiên động lực phát triển số đang chậm lại. Những nền kinh tế này có xu hướng đánh đổi tốc độ lấy tính bền vững.
Các nền kinh tế bứt phá ở châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia và Thái Lan. Mastercard đánh giá, đây là những nước đang phát triển nhanh chóng, có động lực tăng trưởng đáng kể, rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
"Chỉ trong vài tháng, COVID-19 đã thúc đẩy công cuộc số hóa khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhanh hơn ít nhất 5 năm, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của hệ sinh thái kỹ thuật số trong toàn khu vực. Với mức độ tin cậy và gắn kết ngày càng tăng của người tiêu dùng cũng như sự phát triển của số hóa trong phân khúc doanh nghiệp quy mô nhỏ, tất cả đều được hỗ trợ sâu sắc bởi các hành động kiến tạo chủ động từ phía chính phủ, mở ra nhiều cơ hội to lớn cho nền kinh tế kỹ thuật số của khu vực", ông Matthew Driver, Phó Chủ tịch Điều hành phụ trách Dịch vụ, khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Mastercard đánh giá.
Devmaster Academy via vtv.vn