Tại Việt Nam, các sàn thương mại điện tử bị người dùng liên tục phàn nàn vì sự tràn lan của hàng giả, nhái, ảnh hưởng đến trải nghiệm mua sắm. Đồng thời, hàng giả cũng gây ảnh hưởng trực tiếp đến thương hiệu.
Sau nhiều bài viết phản ánh, các sàn thương mại điện tử trong đó có Lazada đưa ra giải pháp khắc phục khá cục bộ theo từng trường hợp đơn lẻ. Điều này dẫn đến việc hàng giả, nhái vẫn tồn tại trên nền tảng này. Không chỉ riêng các sàn thương mại Việt Nam, hàng giả cũng lộng hành trên nhiều nền tảng của các ông lớn công nghệ như Amazon, JD, Alibaba…
Cách xử lý của các nền tảng này ra sao?
Theo nghiên cứu của Marketplace Pulse, người bán hàng từ Trung Quốc hiện chiếm 25% số thương gia trên Amazon Mỹ và có khả năng chiếm một phần tư thị trường toàn cầu của Amazon.
Theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), hơn 60% số hàng hóa giả, nhái bị hủy trên toàn thế giới đến từ Trung Quốc. Theo hãng tin Tân Hoa Xã, 40% các trang web thương mại điện tử nội địa của Trung Quốc chứa hàng giả.
Hàng giả bùng nổ cùng thương mại điện tử
Tuy nhiên, vấn đề hàng giả không chỉ tồn tại ở Trung Quốc. Nó bám theo Internet, len lỏi vào từng gian hàng trên các sàn thương mại điện tử ở khắp các quốc gia.
Đến năm 2022, giá trị của hàng giả, lậu được dự đoán sẽ tăng lên 2.800 tỷ USD và cướp đi 5,4 triệu việc làm. Ảnh: Getty. |
Theo Forbes, hàng giả đã trở thành một trong những vấn đề kinh tế lớn nhất của thời đại này. Đến năm 2022, giá trị của hàng giả, lậu được dự đoán sẽ tăng lên 2.800 tỷ USD và cướp đi 5,4 triệu việc làm.
Trước đây, Amazon từng tuyên bố không khoan nhượng việc bán các mặt hàng giả trên trang web của công ty. “Chúng tôi hợp tác chặt chẽ với các nhà sản xuất và thương hiệu để xác định những người vi phạm và loại bỏ các mặt hàng gian lận. Chúng tôi đang có hành động pháp lý và ráo riết theo dõi các gian hàng”, đại diện Amazon nói với BuzzFeedkhi được hỏi về vấn nạn hàng giả tràn lan.
Đây cũng là cách trả lời thường thấy của các sàn thương mại điện tử trên khắp thế giới khi được hỏi về hàng giả, hàng nhái.
Alibaba, JD.com, TaoBao cũng cùng chung câu trả lời hết sức “quyết liệt nghiên cứu và khắc phục”. Thế nhưng, kết quả mang lại không phải lúc nào cũng tốt.
Năm 2018, Amazon đại tu lại chương trình đăng ký thương hiệu của họ. Các công ty đã đăng ký thương hiệu có thể liên hệ với Amazon để được sử dụng công cụ báo cáo hàng giả, nhái thương hiệu của họ. Ảnh: Getty. |
Bất kỳ người dùng nào cũng có thể truy cập Amazon.com và tìm kiếm từ khóa “Michael Kors” để nhận về kết quả là kho phụ kiện nhái hay “Adidas Yeezy Boost 350” giá 1.200 USD nhưng chỉ được bán với giá 40 USD.
Trong một cuộc kiểm tra ngẫu nhiên được thực hiện bởi BuzzFeed, hàng xa xỉ giả xuất hiện tràn lan trên Taobao dưới dạng các biến thể tên gọi. Áo khoác Gucci được dán nhãn G-House hay áo thun Ralph Lauren được đặt tên “Little Horse”. Logo trong hình được làm mờ đi để vượt qua các lớp kiểm duyệt hình ảnh của Taobao.
Theo BuzzFeed, những ví dụ trên đủ thấy các công ty công nghệ “bất lực” trước việc chống hàng giả như những gì đã hứa như thế nào.
Alibaba báo cơ quan chức năng bắt shop bán hàng giả
Theo BuzzFeed, năm 2017, Alibaba đã đóng cửa 240.000 cửa hàng trực tuyến bị nghi bán sản phẩm giả.
Alibaba cũng giúp cơ quan chức năng bắt những lô hàng giả ước tính trị giá khoảng 4,3 tỷ nhân dân tệ (668 triệu USD). Công ty cũng tố giác những gian hàng chuyên hàng giả trên toàn Trung Quốc dẫn đến việc 1.606 nghi phạm đã bị bắt trong năm 2017.
Alibaba cho biết với tư cách là nền tảng bán lẻ lớn nhất thế giới, công ty cam kết chiến đấu chống hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Năm 2017, Alibaba đã đóng cửa 240.000 cửa hàng trực tuyến bị nghi bán sản phẩm giả. |
Tháng 1/2017, Alibaba cùng 20 thương hiệu lớn tạo ra công cụ chống lại hàng giả bằng cách thành lập viện nghiên cứu phân tích dữ liệu lớn. Cho đến nay, 30 thương hiệu đã tham gia “liên minh để chống hàng giả với dữ liệu lớn”.
Theo Alibaba, các công ty bao gồm Louis Vuitton, Mars và Samsung đã hợp tác với họ để trấn áp hàng giả, sử dụng các hệ thống của Alibaba để quét tới 10 triệu sản phẩm mỗi ngày để tìm các mặt hàng lừa đảo.
Bất chấp những nỗ lực liên tục của Alibaba để làm sạch các nền tảng, Taobao vẫn nằm trong danh sách đen các nền tảng có hàng giả, nhái của Đại diện Thương mại Mỹ (USTR).
Mặc dù USTR lưu ý rằng Alibaba đã có những bước đi tích cực để chống vi phạm bản quyền nhưng vẫn còn một lượng hàng giả, nhái lớn tồn tại trên Taobao. Alibaba đã phản đối danh sách đen này và gọi nó này là “thiếu sót lớn, thiên vị và chính trị hóa”.
RJ Hottovy, một chiến lược gia về người tiêu dùng của Morningstar, nói với BuzzFeed News rằng ông tin công ty đã có thể ngăn chặn việc bán hàng nhái trên các trang web của mình.
“Tôi nghĩ họ đã thành công. Bạn sẽ không bao giờ loại bỏ được 100% hàng giả nhưng quản lý tốt hàng giả của các thương hiệu nổi tiếng là tạm đủ”, Hottovy nói.
Các nền tảng khác của Trung Quốc như Jingdong cũng tăng cường xác minh các mặt hàng quan trọng trước khi nó đến tay người tiêu dùng. Trong đó, các sản phẩm hàng hiệu, đồ điện tử là trọng tâm của việc quản lý.
Ngoài ra, Tmall – mô hình gian hàng do Alibaba bán trực tiếp cũng được đánh giá cao cấp, đáng tin cậy và khó tính với hàng giả hơn.
Amazon dùng công nghệ kiểm soát hàng giả
Năm 2018, Amazon đại tu chương trình đăng ký thương hiệu của họ. Các công ty đã đăng ký thương hiệu có thể liên hệ với Amazon để được sử dụng công cụ báo cáo hàng giả, nhái thương hiệu của họ.
Công cụ này sẽ ngay lập tức loại bỏ sản phẩm giả mạo khỏi nền tảng mà không cần qua các bước kiểm duyệt. Nó đảm bảo không người dùng nào trở thành “chuột bạch” của hàng giả và các thương hiệu có giải pháp tức thời hơn.
Theo Forbes, một hệ thống như vậy có thể không hoàn hảo nhưng ít nhất nó giải quyết được những sai phạm nghiêm trọng nhất. Trên thực tế, Amazon còn có công nghệ nhận dạng hình ảnh có thể phân biệt được hàng giả trên nền tảng của họ.
Ngoài ra, Amazon còn trang bị hệ thống có tên Project Zero. Nó được hỗ trợ bởi máy học của Amazon với khả năng bảo vệ tự động, liên tục quét các cửa hàng và chủ động loại bỏ hàng giả bị nghi ngờ. Các thương hiệu chỉ cần cung cấp các điểm dữ liệu quan trọng như nhãn hiệu, logo, mẫu mã…
Amazon quét hơn 5 tỷ lần hàng hóa cập nhật mỗi ngày để phát hiện các sản phẩm nhái. Ảnh: Getty. |
Amazon quét hơn 5 tỷ lần hàng hóa cập nhật mỗi ngày để phát hiện các sản phẩm nhái. Công cụ này hoạt động tương tự Content ID của YouTube. Nó đối chiếu cơ sở dữ liệu do thương hiệu cung cấp với các hàng hóa mới được đăng.
Amazon nói rằng họ trao quyền lực cho các thương hiệu bởi họ tin rằng sức mạnh kết hợp của các thương hiệu có thể đẩy hàng giả ra khỏi nền tảng. Đổi lại, các thương hiệu sẽ phải kinh doanh tốt hơn để được tham gia Project Zero.
Ngoài ra, Amazon đang cung cấp dịch vụ tuần tự hóa sản phẩm tùy chọn cho các công ty sẽ đặt mã số sê-ri duy nhất của Amazon cho các sản phẩm của họ trong quá trình sản xuất, sau đó sẽ cho phép Amazon quét và xác nhận rằng một sản phẩm nhất định là xác thực trước khi rời khỏi kho.
Không giống như hệ thống bảo vệ bản sao tự động và tùy chọn tự phục vụ để xóa danh sách, miễn phí cho các thương hiệu được chấp nhận cho Project Zero, dịch vụ tuần tự hóa sẽ có giá từ 0,01-0,05 USD mỗi đơn vị, tùy thuộc vào khối lượng.
Nguồn: Devmaster Academy via Zing