Khi Google và Apple công bố kế hoạch vào tháng 4 về một phần mềm miễn phí giúp mọi người được cảnh báo về khả năng tiếp xúc với người bị nhiễm COVID-19, các công ty đã quảng cáo rằng phần mềm sẽ tuyệt đối bảo mật quyền riêng tư và sẽ không theo dõi các địa điểm của người dùng.
Yên tâm với những "lời hứa" đó, Đức, Thụy Sĩ và các quốc gia khác đã sử dụng phần mềm này để phát triển các ứng dụng cảnh báo virus SARS-CoV-2 trên toàn quốc. Những ứng dụng này đã được tải xuống hơn 20 triệu lượt.
Tuy nhiên, lý thuyết là vậy, thực tế thì để các ứng dụng hoạt động được trên hệ điều hành Android, trước hết, người dùng được yêu cầu phải bật cài đặt vị trí thiết bị, cho phép ứng dụng truy cập vào GPS và cuối cùng là Google có thể định vị được vị trí cá nhân người dùng thông qua điện thoại thông minh.
Giới chức các nước đã ngạc nhiên khi biết điều này. Bà Cecilie Lumbye Thorup, phát ngôn viên của Bộ Y tế Đan Mạch cho biết, Bộ này sẽ bắt đầu "nói chuyện phải quấy" với Google về chuyện công ty này sử dụng các dữ liệu cá nhân về định vị của người dùng như thế nào.
Thụy Sĩ cũng cho biết, họ đã thúc ép Google trong nhiều tuần qua, yêu cầu hãng này thay đổi cài đặt vị trí.
"Người dùng phải được sử dụng các ứng dụng theo dõi virus mà không phải chịu bất kỳ ràng buộc với các dịch vụ nào khác" - bác sĩ Sang-Il Kim, trưởng bộ phận chuyển đổi kỹ thuật số tại Văn phòng Y tế Công cộng Liên bang Thụy Sĩ, người giám sát ứng dụng cảnh báo virus quốc gia, bày tỏ ý kiến.
Latvia đã thúc ép Google về vấn đề này khi họ đang phát triển ứng dụng "theo dấu" virus - bà Elina Dimina, người đứng đầu đơn vị giám sát bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm phòng chống và kiểm soát dịch bệnh Latvia, cho biết.
Yêu cầu bật định vị của Google đã thêm vào danh sách hàng loạt mối lo ngại về quyền riêng tư và bảo mật với các ứng dụng truy tìm nguồn phơi nhiễm virus. Nhiều ứng dụng trong số đó được các chính phủ phát triển trước cả khi phần mềm Apple - Google mới ra đời.
Các quan chức chính phủ và nhà dịch tễ học cho biết, các ứng dụng này có thể là sự bổ sung hữu ích cho các nỗ lực y tế công cộng để ngăn chặn đại dịch. Nhưng các nhóm nhân quyền và các nhà công nghệ đã cảnh báo rằng, việc thu thập dữ liệu và lỗ hổng bảo mật mạnh mẽ trong nhiều ứng dụng khiến hàng trăm triệu người có nguy cơ bị theo dõi, lừa đảo, trộm danh tính hoặc bị giới chức kiểm soát quá mức.
Ứng dụng theo dõi nguồn phơi nhiễm COVID-19 của một số quốc gia đang vấp phải hoài nghi của người dùng vì tính năng bảo mật vị trí
Trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, có một sự thật càng ngày càng rõ ràng hơn, đó là các công ty công nghệ đang tạo ra một "tiêu chuẩn toàn cầu", mà Bộ Y tế nhiều nước cũng như các tổ chức sức khoẻ cộng đồng phải tuân theo nếu như sử dụng ứng dụng của các công ty này. Google và Apple có thể chặn không cho ứng dụng do các chính phủ phát triển được dùng công nghệ của họ để định vị người dùng. Nhưng Google lại có thể định vị thiết bị điện thoại của những người dùng tải app của công ty này.
"Chúng ta đang trao quá nhiều quyền hạn cho 2 công ty lớn" - bà Alexandra Dmitrienko, giáo sư phần mềm bảo mật tại Đại học Würzburg của Đức phát biểu - "Họ đang "độc quyền hoá" những quyền hạn này".
Dù vậy, có một tin tốt là những phần mềm của Apple hay Google phát triển sẽ không cho phép các ứng dụng của chính phủ thu thập dữ liệu cá nhân như tên tuổi, số điện thoại hay các thông số kỹ thuật từ email hay điện thoại của người dùng. Vì lý do này, nhiều chính trị gia rất khuyến khích người dân dùng ứng dụng để có thể "né" tiếp xúc với nguồn lây nhiễm bệnh.
"Ứng dụng này xứng đáng được tin tưởng. Nó sẽ bảo vệ quyền cá nhân của bạn" - Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu trong một đoạn video về ứng dụng của chính phủ Đức mang tên Corona-Warn-App (tạm dịch: Ứng dụng cảnh báo Corona).
Thủ tướng Angela Merkel kêu gọi người dân Đức tải ứng dụng cảnh báo virus SARS-CoV-2 do chính phủ phát triển
Một bộ phận người dùng Android tại châu Âu cho biết, họ cảm thấy bị giới chức "qua mặt". Chẳng hạn, bộ hướng dẫn trên nhiều ứng dụng hướng người dùng Android tới việc bật vị trí nhưng không đề cập đến việc người dùng có thể ngăn công ty xác định vị trí chính xác của họ bằng cách tắt "tính năng chính xác" trong cài đặt vị trí.
Anh Massimo Zannoni, một kĩ sư điện ở Zurich bày tỏ: "Với ứng dụng này, bạn được khuyến khích "giao nộp" các dữ liệu về những nơi bạn lui tới, cho những công ty tập đoàn có thể kiếm lời từ thông tin này. Chính phủ sẽ thuyết phục bạn rằng bạn đang là một công dân có đạo đức, trách nhiệm với việc bảo vệ sức khoẻ cộng đồng".
Và khi mọi tranh cãi còn chưa chấm dứt thì một ứng dụng nổi tiếng phổ biến khác cũng đang bị "lên thớt" với câu hỏi: "Liệu thông tin cá nhân của người dùng có đang bị đe doạ?".
TikTok, ứng dụng chia sẻ video cực kỳ được lòng giới trẻ, đang đối mặt với những cái nhìn soi xét từ giới chức nhiều quốc gia. Điển hình trong số đó là Mỹ và Ấn Độ. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trao đổi với kênh truyền hình Fox News rằng việc tải ứng dụng này có thể sẽ khiến thông tin cá nhân của người dùng Mỹ bị rơi vào tay chính phủ Trung Quốc.
Siêu sao giới trò chơi điện tử Tyler Blevins là một trong số người trẻ nổi tiếng tuyên bố giã từ ứng dụng này vì lo ngại bảo mật thông tin cá nhân. Blevins không phải chính trị gia nhưng lại có lượng fan hâm mộ đông đảo và cực kỳ "nghe lời" thần tượng.
Nhưng TikTok có thật là đang khai thác dữ liệu cá nhân của người dùng? Và nếu so với Google hay Facebook, TikTok có làm gì "quá đáng" không? Một số chuyên gia về bảo mật dữ liệu đã cố gắng trả lời các câu hỏi này.
Zoé Vilain, Giám đốc chiến lược tại ứng dụng quyền riêng tư Jumbo, nói với Business Insider rằng, nhìn vào chính sách quyền riêng tư của TikTok, ứng dụng không có gì thái quá hơn Facebook.
"Từ những gì tôi thấy từ chính sách quyền riêng tư và so với chính sách quyền riêng tư của Facebook và Instagram, tôi thực sự không thấy nhiều sự khác biệt giữa TikTok và các ứng dụng kia" - Vilian nói - "Về cơ bản, TikTok nói rằng họ đang sử dụng dữ liệu hành vi, sở thích, bạn bè, các mối liên hệ của bạn, để đổi lại cung cấp cho bạn dịch vụ của họ, để tùy chỉnh dịch vụ và tất nhiên để thực hiện quảng cáo được nhắm mục tiêu [...] đây chính xác là những gì Facebook đang làm và Instagram cũng vậy".
Ứng dụng TikTok đang chịu sức ép từ giới chức Mỹ và Ấn Độ
Tuy nhiên, tờ Business Insider cũng đã trao đổi với ông Talal Haj Bakry, một nhà lập trình hệ điều hành iOS. Ông Bakry mới đây đã phát hiện một lỗi bảo mật của TikTok, cho phép ứng dụng này đọc được các loại văn bản mà người dùng điện thoại iPhone đã sao chép (copy). Các văn bản này có thể vô hại như là danh sách các thứ cần mua ở chợ hay ghi nhớ hàng ngày nhưng cũng có thể là các mật khẩu hoặc dãy số thẻ tín dụng.
Bakry cho rằng, có lý do chính đáng để lo ngại về khả năng bảo mật thông tin của TikTok: "Khả năng bảo mật chưa cao có thể dẫn đến những mối đe doạ lớn. Những ứng dụng như TikTok thu thập một lượng data khổng lồ từ người dùng. Điều này sẽ khiến những kẻ xấu thèm muốn chiếm dụng các thông tin đó".
Về phía TikTok, người phát ngôn của công ty này nói rằng, TikTok không lưu trữ dữ liệu ở Trung Quốc mà là ở Mỹ và Singapore. Bên cạnh đó, TikTok có vẻ đã cảm nhận được rằng, sức nóng mà mình phải hứng chịu bắt nguồn từ việc đây là ứng dụng có nguồn gốc Trung Quốc. Thời gian qua, TikTok đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, CEO của họ là người Mỹ và cũng đã rút hoạt động khỏi Hong Kong (Trung Quốc).
Tin hay không tin một ứng dụng nào đó, bất kể đó là ứng dụng chia sẻ video vui nhộn hay ứng dụng giúp ta phòng tránh một đại dịch, đều là câu hỏi mà bất kỳ ai sử dụng một chiếc smartphone đều có thể đặt ra.
Một nghiên cứu từ Ireland được trích dẫn trên trang web rte.ie đã chỉ ra rằng, công chúng mong chờ những ứng dụng này được xây dựng một cách có trách nhiệm và chính phủ cũng như các nhà lập trình sẽ minh bạch về việc dữ liệu cá nhân của người dùng được khai thác và sử dụng như thế nào.
Devmaster Acamedy via vtv,vn