Chia sẻ trong phiên buổi chiều của Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số, diễn ra ngày 23/12 tại Hà Nội, Tiến sĩ Nguyễn Nhật Quang, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ VINASA, chia sẻ một ví dụ để cho thấy sự bất cập trong quy trình số hoá dữ liệu: "Chúng ta ứng dụng công nghệ thông tin, nhưng các văn bản chỉ đạo vẫn phải được in ra, ký tươi, đóng dấu rồi sau đó lại scan, chuyển thành dạng PDF. File này được chuyển, gửi đi và đơn vị nhận sau đó lại ứng dụng AI để nhận dạng, bóc tách dữ liệu sang dạng văn bản".
Do đó, theo ông, chuyển đổi số không phải phong trào đẩy mạnh ứng dụng CNTT, mà cần bắt đầu từ thay đổi nhận thức và cần được coi như một phương thức phát triển quốc gia.
Ông Nguyễn Nhật Quang, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ VINASA.
"Chuyển đổi số gắn liền với 'thông minh hóa', không phải khi có điều kiện kinh tế phát triển rồi mới chuyển đổi số. Ngược lại, càng nghèo, càng khó khăn càng phải thông minh. Cần coi chuyển đổi số như cấu phần quan trọng trong các giải pháp cho những vấn đề lớn của đất nước như biến đổi khí hậu, nước biển dâng, an ninh năng lượng, nguồn nước...", ông Nguyễn Nhật Quang nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo ông, để chuyển đổi số thành công và nhanh, việc thúc đẩy không quan trọng bằng gỡ bỏ rào cản, đưa ra những chính sách phù hợp, "giống như dòng nước ùa vào, ta phá những rào cản để lưu thông dòng chảy".
Hạ tầng dữ liệu chiếm vị trí trung tâm trong chuyển đổi số. Tuy nhiên, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ VINASA cũng nêu một rào cản về nhận thức khác trong chuyển đổi số là tình trạng cát cứ dữ liệu. Ông tin "nếu chính phủ xây dựng được hạ tầng dữ liệu nhất quán, thống nhất, liên thông, không còn cát cứ dữ liệu giữa các bộ ngành nữa, thủ tục hành chính sẽ giảm được 10 lần".
Tương tự, ông Cao Hoàng Anh, Phó tổng giám đốc FSI, đánh giá xu hướng khai thác dữ liệu tại Việt Nam "đang tốt dần lên" và một số bộ ban ngành, như Bộ Tư pháp, đã có quy chuẩn về số hoá tài liệu. "Tuy nhiên, nhìn chung vẫn còn những rào cản trong tư duy, nhận thức về chuyển đổi số. Tư tưởng cát cứ dữ liệu giữa các cơ quan, bộ ngành vẫn tồn tại. Việc không chia sẻ dữ liệu sẽ dẫn đến việc khai thác và sử dụng dữ liệu gặp nhiều khó khăn", ông Hoàng Anh nêu.
Những năm gần đây, dữ liệu được ví như "dầu mỏ" trong nền kinh tế số. Trong một sự kiện của Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 18/12, ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Cục trưởng Tin học hóa - Bộ TT&TT, cho biết năm 2020, mỗi giây, người dùng toàn thế giới tạo ra 100 TB dữ liệu và các tập đoàn lớn đã tận dụng chúng để kiếm được hàng tỷ USD. Những dữ liệu này vốn không có ý nghĩa nếu nhìn bằng mắt thường, nhưng vào tay các công ty công nghệ lớn, nó trở thành "vàng".
Còn tại Việt Nam, dữ liệu chưa được khai thác và quản lý hiệu quả. "Thực tế cho thấy, khối lượng dữ liệu đã số hoá tại các tổ chức ước tính khoảng dưới 30%, còn lại trên 70% vẫn nằm trên giấy tờ và chưa có biện pháp quản lý, khai thác hiệu quả. Đó là kết quả của cơ chế quản lý thủ công, bán tự động mà lịch sử để lại", đại diện FSI nói.
Tiến sĩ Nguyễn Nhật Quang nhận định, quá trình chuyển đổi số đang diễn ra khách quan, "dù Việt Nam có làm gì, tương lai số vẫn đến". Trong xu hướng đó, chính phủ cũng cần chuyển đổi số, có năng lực số để quản lý theo kịp sự phát triển của kinh tế số và xã hội số. Ông kỳ vọng chính phủ có thể tăng mức đầu tư cho hạ tầng thông tin quốc gia, hạ tầng dữ liệu, mở ra cơ hội khai thác dữ liệu cho các nhóm đối tượng từ lớn đến nhỏ trong nền kinh tế.
Devmaster Academy via vnexpress.net