Intel được thành lập vào ngày 18 tháng 7 năm 1968 bởi 2 nhà tiên phong trong công nghệ bán dẫn là Robert Noyce và Gordon Moore - cha đẻ của định luật Moore và khi đó ông vừa rời công ty bán dẫn Fairchild Semiconductor. Tên gọi lúc mới thành lập của Intel là NM Electronics và chữ NM tức Noyce Moore (cả 2 đầu tiên nghĩ là Moore Noyce nhưng đọc lên nghe như More Noise - "ồn hơn nữa" nên chuyển lại). Thế nhưng sau đó NM Electronics mua lại quyền sử dụng cái tên Intel - viết tắt của Integrated Electronics vốn thuộc sở hữu của chuỗi khách sạn Intelco. Cái giá để sử dụng cho tên Intel là 15.000 USD vào thời điểm đó.
Trái qua phải: Sherman Fairchild, Gordon Moore, Robert Noyce.
Robert Noyce là một nhà vật lý và cũng là nhà đồng phát minh mạch tích hợp (IC). Tương tự thì Gordon E. Moore là một nhà hóa học và ông nổi tiếng với định luật Moore. Cả 2 đều từng làm việc cho công ty bán dẫn Fairchild Semiconductor trước khi lập nên Intel và cả 2 đều là những người có ảnh hưởng lớn trong thế giới công nghệ. Robert Noyce đã cố vấn cho rất nhiều doanh nhân và những người đam mê công nghệ thế hệ sau này, trong số đó đáng chú ý nhất là Steve Jobs của Apple. Ông được gọi là "Thị trưởng của Thung lũng Silicon" nhờ phát minh về IC và cũng từ đây khai sinh tên gọi Silicon Valley.
Trong hình trên thì chỉ còn Gordon Moore còn sống, ông sinh năm 1929 và hiện đang 91 tuổi. Robert Noyce mất vào ngày 3 tháng 6 năm 1990 lúc 62 tuổi. Sherman Fairchild mất vào năm 1971 ở tuổi 74.
Intel 4004 là vi xử lý 4-bit được Intel ra mắt vào năm 1971 và cũng là vi xử lý đầu tiên của Intel. Nó được trang bị trên sản phẩm thương mại là chiếc máy tính của Busicom Corp, Nhật Bản
Thực tế, 4004 bắt nguồn từ một dự án chip tùy biến cho Busicom, lúc đó đã đặt Intel làm 12 con chip. Tham gia dự án phát triển gồm Federico Feggin - trưởng dự án, kỹ sư Marcian Hoff xây dựng kiến trúc và Masatoshi Shima góp phần hoàn thiện kiến trúc và thiết kế logic. Ban đầu Busicom nắm quyền liên quan đến các vi xử lý nhưng Intel đã sớm nhận ra tiềm năng đối với một con chip "đầu não" và thế là hãng đã trả 60.000 USD để đổi lấy thiết kế vi xử lý. Busicom đồng ý và Intel đã đưa 4004 ra thị trường toàn cầu vào ngày 15 tháng 11 năm 1971, lúc đó giá bán mỗi con là 200 USD.
Chính nhờ 4004, Intel đã tung ra 8008 vào năm 1972 mạnh gấp đôi, rồi lần lượt là 8080 năm 1974 - vi xử lý của chiếc máy tính cá nhân đầu tiên Altair và tiếp tục thành công rực rỡ với 8086-8088 dành cho máy tính của IBM - thứ đưa Intel bảng xếp hạng Fortune 500 lần đầu tiên.
Năm 1972, Intel từng thử sức với thị trường đồng hồ khi mua lại hãng làm đồng hồ Microma rất nổi tiếng lúc đó. Tuy nhiên, khi thị trường đồng hồ đeo tay giảm sút vào năm 1978, Intel đã bán lại Microma cho Timex để tập trung vào các sản phẩm cốt lõi. Nhà đồng sáng lập Intel - Gordon Moore vẫn đang đeo chiếc đồng hồ Microma mà ông thích từ đó đến nay.
Intel bắt đầu xây dựng một viện bảo tàng riêng cho mình kể từ những năm đầu của thập niên 80 và mở cửa đón công chúng vào năm 1992. Bảo tàng này rộng 930 m2, đón 86000 lượt khách mỗi năm và nằm tại trụ sở chính của Intel ở Santa Clara, California. Bảo tàng này trưng bày toàn bộ những sản phẩm, công nghệ của Intel theo suốt bề dày lịch sử của hãng.
Các vi xử lý được sản xuất trong môi trường siêu sạch. Tuy nhiên vào thời điểm 1968 thì những căn phòng siêu sạch tiêu chuẩn vẫn còn rất mơ hồ. Cơ sở sản xuất chỉ đơn thuần là được dọn sạch và những nhân viên làm việc không bị quy định trang phục nghiêm ngặt.
Đến năm 1971 khi khai trương nhà máy Fab 3 ở Livermore thì Intel đã đặt ra quy định về trang phục và nhân viên Intel gọi những bộ độ này là "đồ thỏ" - bunny suit. Chúng trở thành tiêu chuẩn từ năm 1980 áp dụng trên toàn công ty đến nay.
Những vi xử lý được sản xuất trong phòng siêu sạch "Cleanroom" và những căn phòng này được cho là sạch hơn hàng ngàn lần so với phòng khử trùng trong bệnh viện. Bằng chứng là không một loại hạt nào có kích thước lớn hơn 0,5 micron được phép tồn tại trong Cleanroom và thử hình dung, đường kính của một sợi tóc người là 75 micron.
Chúng ta đều đã biết Intel đang trở lại mảng vi xử lý đồ họa cao cấp với Intel Xe GPU nhưng đây là một thị trường không mới với Intel. Năm 1998, Intel đã ra mắt GPU rời đầu tiên có tên i740 nhưng không thành công và hãng chuyển hướng phát triển GPU tích hợp i752 ra mắt năm 1999. Sáng tạo nhất là Larrabee - dự án được Intel bắt nguồn từ năm 2009 với mục tiêu biến CPU thành GPU, khai thác công nghệ siêu phân luồng và đơn vị xử lý điểm động FPU riêng cho hiệu năng gấp 10 lần GPU của Nvidia vào thời điểm đó. Dù Larrabee bị hủy nhưng những nghiên cứu từ Larrabee đã làm tiền đề để Intel phát triển dòng vi xử lý phụ trợ (co-processor) Xeon Phi dành cho thị trường máy chủ. Xeon Phi được sử dụng trên siêu máy tính Tianhe-2 và vẫn là 1 trong những chiếc siêu máy tính mạnh nhất thế giới.
Nếu không có ý tưởng này thì chúng có lẽ vẫn sống với những chiếc laptop to dày. Năm 2011 Intel đã khai sinh ra một danh mục máy tính mới gọi là Ultrabook với những thông số bắt buộc về kích thước, thời lượng pin cũng như những công nghệ đi kèm. Kể từ đó đến nay thì máy tính đã trở nên mỏng hơn và nhẹ hơn rất nhiều, mang lại sự tiện dụng và cơ động cao cho người dùng song song với sự cải thiện về hiệu năng và thời lượng pin.
Devmaster Academy via tinhte