Cuối tuần trước, Phó Chủ tịch Kỹ thuật phần mềm Apple - Craig Federighi đã xác nhận rằng những phiên bản ARM của Windows 10 có thể khởi chạy chủ động trên thiết bị Mac sử dụng chip Apple Silicon M1, tuy nhiên, mọi thứ "hoàn toàn phụ thuộc vào Microsoft".
Lý do ông Craig Federighi nói như vậy là bởi Microsoft hiện chưa cấp phép sử dụng phiên bản ARM của Windows 10 cho Apple. Trước đó, Microsoft phản hồi rằng chưa nhận được bất cứ yêu cầu nào từ phía đối tác để xin cấp phép sử dụng phiên bản ARM Windows trên thiết bị Mac.
Và không để những người dùng tò mò về điều này phải trở đợi lâu, một lập trình viên đã thành công chạy thử giả lập ARM Windows trên máy Mac sử dụng chip M1 và bình luận rằng mọi thứ đều "khá mượt mà".
Lập trình viên khoe hình ảnh chiếc Macbook dùng chip M1 của bản thân có thể chạy giả lập hệ điều hành Windows.
Việc Microsoft có cấp phép để các thiết bị Apple khởi chạy chủ động phiên bản ARM Windows hay không vẫn cần thời gian để trả lời. Tuy nhiên, thử nghiệm của lập trình viên Alexander Graf cho thấy chip M1 của Apple đang hoạt động khá trơn tru với phiên bản giả lập Windows.
Lập trình viên cho biết Macbook sử dụng chip kiến trúc ARM có thể chạy tốt kiến trúc x86 trong thử nghiệm kể trên. Alexander Graf tin rằng giả lập của mình có thể chạy ổn nhưng khó lòng có thể cung cấp tới người dùng một hệ thống hoàn toàn ổn định giống như sản phẩm được cấp phép đàng hoàng.
Trong quá khứ, Microsoft từng có kỷ niệm buồn với chip ARM. Năm 2012, Microsoft tung ra phiên bản máy tính bảng chạy Windows với tên Surface RT sử dụng kiến trúc chip ARM. Tuy nhiên, Surface RT không chạy Windows 8 tiêu chuẩn mà lại sử dụng phiên bản Windows RT tùy biến riêng cho chip ARM. Phiên bản này đã không thể chạy các chương trình Windows truyền thống và Microsoft cũng không giải thích liệu chương trình nào có thể chạy hay không chạy trên Windows RT. Sự nửa vời đó đã góp phần khiến Surface RT sớm thất bại và chìm vào quá khứ, để lại khoản lỗ tồn kho lên tới 900 triệu USD cho Microsoft.
Năm 2019, Microsoft tiếp tục trở lại với ARM khi phát hành Surface Pro X. Kiến trúc chip ARM cho phép Microsoft làm thiết bị mỏng hơn so với Surface Pro dùng chip Intel. Dù Microsoft đã rút ra được bài học trong quá khứ khi tối ưu hóa tốt hơn cho thiết bị dùng chip ARM nhưng theo đánh giá từ giới chuyên môn, nhiều ứng dụng chạy trên thiết bị dùng chip ARM mới này vẫn không suôn sẻ hoặc thậm chí là "ì ạch" hơn so với những đối thủ sử dụng chip Intel.
Devmaster Academy via vtv.vn