Scandal Cambridge Analytica tưởng chừng vừa lắng xuống, thì Facebook đã gấp rút đệ đơn xin cấp bằng sáng chế cho một công nghệ vô cùng tranh cãi: Công nghệ cho phép smartphone tự động kích hoạt microphone để thu âm môi trường xung quanh.
Mạng xã hội lớn nhất hành tinh trước giờ vẫn luôn từ chối các tin đồn cáo buộc mình nghe trộm hội thoại riêng tư của người dùng, sau đó phân tích từ khóa để có thể thực hiện target quảng cáo hiệu quả hơn. Tuy nhiên, đơn xin cấp bằng sáng chế mới nhất của “ông lớn” Facebook công bố ngày 14/6 vừa qua đã hé lộ rằng đội ngũ nghiên cứu đã áp dụng một hệ thống mã cho phép ứng dụng bí mật tự động kích hoạt microphone trên điện thoại thông minh để thu vào “âm thanh môi trường xung quanh”.
Theo như những gì Facebook cung cấp, công nghệ mới này được sử dụng để thu nhận “những âm thanh số con người không nghe thấy” phát ra từ quảng cáo trên TV hay nền tảng khác ngoài Facebook. Đế chế mạng xã hội màu xanh giải thích: Về bản chất, ngay cả khi người xem không nghe thấy, quảng cáo trên TV hay máy tính đều phát ra một đoạn âm thanh kiểu mã Morse. Công nghệ của Facebook cho phép smartphone (nếu ở gần người dùng khi họ đang xem quảng cáo) sẽ tự động kích hoạt microphone khi nghe thấy đoạn mã này và bắt đầu thu âm. Âm thanh được microphone thu lại cũng chính là âm thanh bí mật phát ra từ quảng cáo TV nói trên và có thể là âm cao độ vượt ngoài giới hạn nghe của tai người.
Facebook thanh minh rằng thứ công nghệ của mình được thiết kế với một mục đích đặc biệt duy nhất: đó là nâng cao chất lượng target quảng cáo trên nền tảng của mình. Hãng nói công nghệ được tạo ra chỉ để theo dõi những gì mọi người xem trên “thiết bị truyền hình” của mình để có thể hướng người xem tới những quảng cáo tương tự nhiều khả năng sẽ hấp dẫn khách hàng hơn khi họ lướt Facebook. Ngoài ra, công nghệ mới cũng giúp Facebook thu được thông tin chính xác hơn về lượng khán giả đã xem quảng cáo của mình.
Theo thông tin từ mạng xã hội của CEO Mark Zuckerberg, đây là cách công nghệ thu âm hiện đại của Facebook hoạt động:
– Đầu tiên, một tràng tín hiệu âm cao độ ẩn trong các quảng cáo hoặc nội dung TV sẽ kích hoạt microphone trên smartphone.
– Sau khi được kích hoạt, điện thoại bắt đầu thu âm “âm thanh xung quanh” bao gồm tiếng quảng cáo chứa đoạn mã.
– Đoạn ghi âm này sau đó sẽ được tự động phân tích để cho ra một “profile âm thanh môi trường” riêng được lưu trữ trên “hệ thống online” cùng với thông tin xác định về người sở hữu điện thoại.
– Cuối cùng, dữ liệu thu được sẽ dùng để xác định xem liệu một người có xem quảng cáo hay đã tương tác với nội dung vừa xem hay không. Thông tin này cực kỳ quan trọng bởi chúng đẩy khả năng người dùng thích hoặc tương tác với quảng cáo được xem tăng lên rất nhiều.
Như đã nói, tất cả mọi thông tin thu được từ công nghệ mới của Facebook nhằm theo dõi xem những quảng cáo nào thu được sự chú ý của người dùng, để từ đó hiển thị quảng cáo tương tự trên nền tảng mạng xã hội của mình. Sau scandal Cambridge Analytica, nhiều người không khỏi quan ngại về bằng sáng chế đầy tranh cãi của Facebook. Trong khi đó, Facebook cho biết hãng không có bất kỳ ý định nào về việc áp dụng công nghệ trong bằng sáng chế lên các sản phẩm của mình.Bằng cách thu âm tín hiệu ẩn trong quảng cáo TV, nhà quảng cáo – ở đây chính là Facebook – còn có thể biết được tương đối chính xác liệu người xem có thích thú xem hết quảng cáo hay bỏ đi giữa chừng. Nếu bản thu âm của đoạn âm thanh bị gián đoạn hoặc nhiễu, hệ thống sẽ coi đó là dấu hiệu cho thấy người xem đã rời xa khỏi màn ảnh nhỏ, ngược lại, nếu tín hiệu mạnh và rõ ràng, đồng nghĩa với việc người xem đang ở gần điện thoại và đang chăm chú xem quảng cáo.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là những gì Facebook nói trong đơn xin cấp bằng sáng chế cho công nghệ có tên “Phân tích lượng xem nội dung truyền hình dựa trên thu âm môi trường xung quanh” của mình. Không có bất kỳ đề cập nào đến hoạt động gián điệp hay theo dõi, xâm phạm đời tư người dùng, hay thu âm những đoạn hội thoại riêng tư, nhưng có lẽ ngay lúc này, chỉ có Facebook mới biết rõ liệu điều đó có hoàn toàn là sự thật, đặc biệt là khi ngay cả vị CEO Mark Zuckerberg cũng lấy băng dính đen dán chặt webcam và mic trên laptop của mình lại
Bạn có nhận thấy điều gì lạ trên MacBook của CEO Mark Zuckerberg?
Techtalk Via ictnews